Ngày 16/8, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã tổ chức Hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ - những vấn đề cần lưu ý”.
Hội thảo có sự tham gia của gần 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp…
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 07/2022/QH15) đã được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 16/6/2022 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Nhằm kịp thời phổ biến những quy định mới của Luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến lĩnh vực sở hữu công nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật.
Tại Hội thảo, các diễn giả của Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu tổng quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các vấn đề chung về sở hữu công nghiệp và tập trung phân tích những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ liên quan đến từng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, đến thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại về sở hữu công nghiệp và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Những quy định sửa đổi, bổ sung mới, đặc biệt là các quy định liên quan đến các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp cụ thể như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; các quy định liên quan đến thủ tục xử lý đơn... thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để thảo luận và làm rõ các quy định liên quan đến chính sách mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Một số nội dung cũng được trao đổi sâu nhằm làm rõ về định hướng xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật (Nghị định và Thông tư) như việc xác định lĩnh vực an ninh quốc phòng hay “được tạo ra tại Việt Nam” (đối với quy định về kiểm soát an ninh sáng chế); cách xác định “bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất mang sản phẩm chỉ dẫn địa lý” (đối với quy định chỉ dẫn địa lý đồng âm); giải thích về “dụng ý xấu” trong đăng ký nhãn hiệu và các tài liệu để có thể chứng minh,...
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến cho các nhóm chủ thể có liên quan, để các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thực thi hiệu quả, việc xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết là công việc rất quan trọng và được ưu tiên trong thời gian tới. Do đó, Cục Sở hữu trí tuệ rất mong nhận được thêm nhiều ý kiến góp ý, xây dựng đối với các quy định sửa đổi, bổ sung mới ở ngoài phạm vi Hội thảo.
PV