Cuối năm 2011, Công ty TNHH Cửa cuốn Úc Vinh Quang (Quận Kiến An, TP Hải Phòng) đã bị bắt quả tang hàng loạt sản phẩm cửa cuốn đã xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Tân Trường Sơn (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ xử phạt Cty Vinh Quang 66 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và cảnh cáo đối với hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
TS Trần Quang Hùng, phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, mức xử phạt vi phạm quyền SHTT hiện nay ở nước ta còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và hệ thống tòa án của Việt Nam còn quá non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý các vụ án liên quan đến SHTT.
Luật giúp doanh nghiệp cơ hội sửa sai
Hơn 1 năm qua, TS Phan Đức Tác, Giám đốc doanh nghiệp KH&CN kè bờ Minh Tác đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân một số tỉnh, thành phố để kiện nhiều đơn vị đã xâm phạm một cách trắng trợn sáng chế “Mái bê tông, lắp ghép dùng cho các công trình bảo vệ bờ” do Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền từ năm 1994 nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan chức năng, nhất là tòa án nhân dân các cấp giải quyết. “Tôi có cảm giác luật SHTT của Việt Nam chưa nghiêm minh, chưa thật sự được mọi người tôn trọng” TS Tác nói.
Ông Phạm Phi Anh, Phó cục trưởng Cục SHTT cho biết, không thể nói các biện pháp xử lý vi phạm quyền SHTT của Việt Nam là nhẹ bởi nếu hành vi xâm phạm quyền SHTT được xác định là cấu thành tội “xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp” được quy định tại điều 171 của Bộ luật hình sự năm 2009 thì có thể bị phạt tù đến 3 năm. Mức xử phạt hành chính cao nhất đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng kèm theo các biện pháp phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm, buộc tiêu hủy yếu tố, hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm…
Cụ thể trong 2 năm 2007-2008, tòa án trên toàn quốc đã thụ lý 14 vụ án dân sự và đã giải quyết 11 vụ có liên quan đến quyền SHTT, 51 vụ án hình sự với 110 bị cáo và đã xét xử 44 vụ với 91 bị cáo trong đó có 47 người bị phạt tù. Thanh tra bộ KH&CN đã thụ lý và xử lý 88 vụ xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp, 3 vụ cạnh tranh không lành mạnh với gần 450 sản phẩm xâm phạm bị xử lý, tổng số tiền phạt là trên 170 triệu đồng. các cơ quan thanh tra KH&CN thuộc các sở KH&CN trên cả nước đã tiến hành thanh tra hơn 600 cơ sở, xử lý 136 vụ xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, 606 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 16 vụ xâm phạm sáng chế, 3 vụ xâm phạm chỉ dẫn địa lý với tổng số tiền phạt lên đến gần 2 tỷ đồng. Cơ quan quản lý thị trường trênt oàn quốc đã thụ lý gần 2500 vụ với tổng số tiền phạt trên 1,2 tỷ đồng. cơ quan cảnh sát kinh tế đã thụ lý 128 vụ xâm phạm quyền SHCN, tiến hành xử lý 86 vụ, thu giữ nhiều hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.
Đồng tình với ông Phạm Phi Anh, Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc bộ phận Sở hữu trí tuệ, Công ty Luật Bross & Partners cho rằng, việc xử phạt vi phạm liên quan đến SHTT hiện nay đã thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật với các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp vi phạm có cơ hội sửa sai.
Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ cho thấy, trong năm 2011, trên cả nước đã có gần 1600 vụ vi phạm về nhãn hiệu đã bị xử lý với số tiền phạt hơn 9 tỉ đồng; 107 vụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp bị xử lý với số tiền phạt trên 264 triệu đồng và 4 vụ vi phạm sáng chế/giải pháp hữu ích bị xử lý với số tiền phạt 10 triệu đồng. Trong giai đoạn 2006- 2011 có hơn 4.000 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã bị xử lý, trong đó riêng năm 2010 đã xử lý 1.632 vụ, với tổng số tiền phạt lên tới gần 4,6 tỉ đồng.
Báo cáo 2 năm thực hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật SHTT, chỉ trong 2 năm 2007-2008, tòa án các cấp trên toàn quốc đã thụ lý 14 vụ án dân sự và đã giải quyết 11 vụ có liên quan đến quyền SHTT, 51 vụ án hình sự với 110 bị cáo và đã xét xử 44 vụ với 91 bị cáo trong đó có 47 người bị phạt tù. Thanh tra bộ KH&CN cũng đã thụ lý và xử lý 88 vụ xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp, 3 vụ cạnh tranh không lành mạnh với gần 450 sản phẩm xâm phạm bị xử lý, tổng số tiền phạt là trên 170 triệu đồng. Các cơ quan thanh tra KH&CN thuộc các sở KH&CN trên cả nước đã tiến hành thanh tra hơn 600 cơ sở, xử lý 136 vụ xâm phạm kiểu dáng công nghiệp, hơn 600 vụ xâm phạm nhãn hiệu, 16 vụ xâm phạm sáng chế, 3 vụ xâm phạm chỉ dẫn địa lý với tổng số tiền phạt lên đến gần 2 tỷ đồng. Cơ quan quản lý thị trường trênt oàn quốc đã thụ lý gần 2500 vụ với tổng số tiền phạt trên 1,2 tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát kinh tế đã thụ lý 128 vụ xâm phạm quyền SHCN, tiến hành xử lý 86 vụ, thu giữ nhiều hàng hóa xâm phạm quyền SHTT.
Ông Vinh cũng cho biết, Luật SHTT đã có quy định thể hiện rõ vai trò của tòa án trong việc xử lý xâm phạm và giài quyết các tranh chấp liên quan đến quyền SHTT. Không chỉ cục SHTT mà bất cứ cá nhân, tổ chức nào cũng không có quyền can thiệp vào quá trình xét xử các vụ án của tòa án vì tòa án xét xử các vụ án theo nguyên tắc độc lập và tuân thủ theo pháp luật. Trong quá trình các thủ tục tố tụng tại tòa án được tiến hành, cục SHTT chỉ có thể hỗ trợ duy nhất là đưa ra các ý kiến chuyên môn liên quan đến SHTT khi có yêu cầu, dưới dạng trưng cầu ý kiến chuyên môn của tòa án.
“Với một lĩnh vực còn mới như SHTT mà những năm qua, hệ thống tòa án đã tham gia giải quyết nhiều vụ án như vậy thì rõ ràng tòa án ngày càng thể hiện và khẳng định vị trí hết sức quan trọng trong hệ thống các cơ quan tham gia bảo vệ quyền SHTT, mặc dù còn khá khiêm tốn” ông Phạm Phi Anh khẳng định.
SHTT dần đi vào cuộc sống
Theo ông Phạm Phi Anh, kể từ khi luật SHTT được ban hành, nhận thức của công chúng, các giới và doanh nghiệp về ý nghĩa, vai trò của SHTT được nâng lên rõ rệt. Từ đó, nhiều tổ chức, cá nhân đã chú trọng đến việc đăng ký bảo hộ SHTT.
Trong 5 năm từ 2006-2011, số đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam là 1183 đơn, bằng gần số đơn của cả 24 năm trước (1981-2004), đơn đăng ký giải pháp hữu ích là 744 đơn bằng gần 17 năm (1985-2005), đơn kiểu dáng công nghiệp là 6168 đơn, bằng 10 năm 1988-1998 và đơn nhãn hiệu đạt trên 100 nghìn đơn nhiều gấp đôi so với 24 năm từ 1982-2005.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, trong những năm trở lại đây vấn đề vi phạm quyền SHTT có xu hướng gia tăng mà nguyên nhân chính là do lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh, xử lý xâm phạm quyền SHTT còn mỏng và thiếu so với yêu cầu thực tiễn, trang thiết bị, phương tiện công cụ hỗ trợ còn chưa được trang bị đầy đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình hiện nay. Đồng thời, việc kiểm tra, xử lý hàng vi phạm trong khâu lưu thông chưa đi sâu điều tra về quy mô, tính chất, mức độ vi phạm để xử lý bản chất, hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân, chế tài xử phạt chưa được cụ thể hóa trong một văn bản mang tính thống nhất, toàn diện.
Công tác phối hợp trao đổi thông thông tin chuyên môn nghiệp vụ giữa các lực lượng, các cơ quan tham mưu còn hoạn chế, chưa chủ động và thiếu thường xuyên làm cho việc điều tra, xử lý các vụ việc buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT còn chậm, nặng về biện pháp hành chính do đó hiệu quả ngăn chặn thấp.
Bên cạnh đó, hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT phát triển được còn là do một bộ phận người dân chấp nhận và thích dùng hàng hiệu với chi phí mua thấp đã góp phần làm cho tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả gia tăng. Thủ đoạn của các đối tượng và kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, được khép kín từ khâu sản xuất, vận chuyển đến lưu thông phân phối, từ thành phố đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đối tượng nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới thành các sản phẩm của nước ngoài.
“Trước nhu cầu và đòi hỏi thực tiễn, nhất là trong xu thế hội nhập như hiện nay thì hoạt động SHTT cần phải tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là hoạt động thực thi và đăng ký xác lập quyền” ông Phạm Phi Anh nhấn mạnh.