Tương tự những gì Luật Sở hữu trí tuệ đã góp phần tạo ra cách đây hơn 15 năm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 được tạo kỳ vọng sẽ đem đến các thay đổi lớn, thậm chí là đột phá, cho một môi trường đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng ở Việt Nam - nơi ngày một trân quý những giá trị mà tài sản trí tuệ đem lại.
Không chỉ “làm mới” các khái niệm
Khái niệm đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đã xuất hiện tại Việt Nam đã nhiều thập niên nhưng chưa bao giờ, nó lại tác động mạnh đến đời sống kinh tế xã hội như hiện nay. Tất cả những gì liên quan đến đời sống hằng ngày, từ sách vở, bút mực cho trẻ em đến trường, gói mì tôm, túi gạo có mặt trên các kệ hàng, các chương trình phim ảnh chiếu trên mạng xã hội, đến những bao xi măng, sắt thép xây dựng những công trình mới… Mọi sản phẩm hàng hóa đều được sẵn sàng chuyển đến tay người tiêu dùng dưới nhiều hình thức khác nhau, từ những vùng địa lý khác nhau và theo những cách thức, nền tảng biểu thị khác nhau.
Điều làm nên sự phong phú và đa dạng đó là những hoạt động nghiên cứu và phát triển của các nhà khoa học ở các trường viện, các công ty lớn nhỏ trong và ngoài Việt Nam hay đơn giản là sự lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của người dân ở khắp mọi miền đất nước. Tất thảy đều được vận hành dưới những vòng quay mới mà những phạm vi điều chỉnh đã tồn tại không còn phù hợp.
Đó là lý do Luật Sở hữu trí tuệ từng được sửa đổi, bổ sung năm 2009 hay 2019 đã trở thành tấm áo chật đối với một môi trường ngày một năng động và hội nhập sâu rộng như Việt Nam. Những hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong các trường viện đã không còn như trước đây cả thập kỷ. Mặt khác, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào các năm 2009 và 2019 không đáng kể và còn mang tính ngắn hạn nên chưa tạo ra động lực đủ để kích thích sự sáng tạo cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ.
Nếu nhìn sâu vào hai lần sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ này, người ta có thể thấy nó chưa thực sự chạm đến bản chất cốt lõi của đổi mới sáng tạo. Những nút thắt trong nghiên cứu nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và quản lý các tài sản trí tuệ hình thành từ nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ vẫn còn chưa được tháo gỡ.
Quy định trước đây về quyền đăng ký tại Luật Sở hữu trí tuệ “ràng buộc” quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước “chưa khuyến khích việc tạo ra, khai thác, phổ biến các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí do nhà nước đầu tư”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ từng trao đổi với Khoa học và phát triển như vậy.
Trên thực tế, việc trao quyền chủ văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ cho cơ quan quản lý nhà nước, vốn không có chức năng lẫn khả năng kinh doanh, sẽ dẫn tới nhiều khó khăn trong việc tiến hành thương mại hóa đối tượng được bảo hộ. “Việc đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước cũng như vấn đề thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ được hình thành từ đề tài nghiên cứu do ngân sách tài trợ trong thời gian qua rất khó được thực hiện”, ông nói.
Việc đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí chỉ có thể thực hiện sau khi thực hiện các bước vô cùng phức tạp: (i) nhiệm vụ KH&CN phải được hoàn thành và đánh giá, nghiệm thu; (ii) tổ chức chủ trì phải lập báo cáo về tài sản, nộp hồ sơ đề nghị giao tài sản và chờ cơ quan có thẩm quyềt xét duyệt và ra quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN. Ràng buộc chính sách theo cách như vậy khiến hầu hết những thay đổi, nếu có, chỉ là những tác động trên bề mặt của khái niệm sở hữu trí tuệ.
Thực chất, các nhà khoa học, dù ở trường đại học hay viện nghiên cứu, vẫn còn băn khoăn về cơ hội thương mại hóa, vẫn còn cảm thấy bị “trói tay” khi bước thêm một vài nhịp để cho ra hẳn một sản phẩm ở quy mô pilot. Vì vậy, những sản phẩm mà họ làm ra vẫn chỉ ở mức chưa hoàn thiện, chưa đủ sức trở thành công nghệ để đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp, hay nói cách khác, nguồn lực sáng tạo ở trường viện vẫn chưa được khuyến khích một cách thực sự trong khi trên thị trường, không công ty nào đủ nguồn lực để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các thị trường ngách.
Đây mới chỉ là một phần trong nội dung sửa đổi của Luật Sở hữu trí tuệ lần này. Quá trình thực thi Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định ở cả ba lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng nên chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy khai thác sử dụng, làm nền tảng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan, chưa tạo được động lực thực sự cho việc tạo ra, khai thác và thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư kinh phí, chưa bảo đảm sự thỏa đáng và cân bằng giữa quyền của chủ sở hữu và quyền lợi của công chúng...
Đặt tất cả những nội dung này vào bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết nhiều FTA như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các FTA thế hệ mới đặt ra nhiều nghĩa vụ phải thi hành đối với Việt Nam liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT, các cam kết về SHTT trong các FTA đòi hỏi phải được nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật SHTT. Vì vậy, lần sửa đổi này đã chạm đến những vấn đề căn cốt, đáp ứng những yêu cầu của thúc đẩy thương mại hóa tài sản trí tuệ trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.
Tạo cú hích cho đổi mới sáng tạo?
Từ những bất cập nêu trên, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước một cách tự động và không bồi hoàn cho tổ chức chủ trì trực tiếp tại Luật (và trở thành chủ sở hữu khi các đối tượng này được cấp văn bằng bảo hộ); đồng thời bổ sung các quy định để Nhà nước vẫn kiểm soát để đảm bảo việc khai thác có hiệu quả và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì và lợi ích của nhà nước với tư cách là “chủ đầu tư” và lợi ích xã hội.
Những nút thắt trong quá trình đưa sản phẩm trí tuệ từ viện trường đến với doanh nghiệp và ra đến thị trường đang được gỡ bỏ, do đó được kỳ vọng sẽ tạo cú hích khuyến khích các cơ quan nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm hình thành từ sáng chế Công nghệ chiếu sáng tự nhiên "Phenikaa Natural TrueCircadian" . Ảnh: Phenika
Trong một số trường hợp đặc biệt, Nhà nước có thể giao cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng nếu như tổ chức chủ trì không đảm bảo nghĩa vụ khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ mà Nhà nước đã đầu tư hoặc trong các tình huống cấp thiết vì an ninh, quốc phòng, phòng bệnh, chữa bệnh hay trong các tình huống cấp thiết khác.
Để hài hòa giữa luật pháp Việt Nam với các quy định về sở hữu trí tuệ trong một loạt các hiệp ước thương mại mà Việt Nam mới tham gia, Luật sửa đổi lần này đã đưa vào nhiều nội dung quan trọng nhằm bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế như: bổ sung các quy định làm rõ nội dung các quyền tài sản, quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, v.v.; bổ sung một số trường hợp giới hạn, ngoại lệ quyền tác giả, quyền liên quan; bổ sung quy định một số hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan liên quan tới biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền, thông tin quản lý quyền; bổ sung quy định trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả, quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, v.v.
Có những điểm mới trong lần sửa đổi Luật lần này cho thấy sự nhanh nhạy bắt kịp những thay đổi của thị trường kinh doanh trên những nền tảng phi truyền thống khi quy định chặt chẽ hơn đến những vấn đề xung đột trong môi trường số - ngày càng ảnh hưởng tới hoạt động sáng tạo và kinh doanh.
Cụ thể, Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, bao gồm nhà cung cấp dịch vụ internet. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải thiết lập hệ thống kiểm tra, giám sát, xử lý các thông tin được lưu trữ, truyền đi trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan; đồng thời, phải gỡ bỏ và xóa nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cung cấp thông tin về khách hàng thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số và khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian khác khi nhận được yêu cầu của thanh tra hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Có một điểm đáng lưu ý là có những quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ 2022 liên quan đến chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế hình thành từ ngân sách nhà nước cũng có mối liên quan đến nhiều điều kiện, quy định khác như các quy định về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức sự nghiệp công lập, trách nhiệm pháp lý.
Do đó, việc sửa đổi quy định này sẽ không chỉ dừng lại trong phạm vi của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi mà cũng sẽ dẫn tới yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật KH&CN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cả pháp luật hình sự, pháp luật công chức, viên chức, pháp luật lao động.
Đây mới là các nút thắt lớn cản trở tư duy và hành động dám nghĩ dám làm trong việc thương mại hóa, khai thác sản phẩm khoa học công nghệ của các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập ở Việt Nam.
Các sửa đổi của Luật SHTT tập trung vào bảy nhóm Chính sách lớn
(1) Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan;
(2) Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước;
(3) Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp;
(4) Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
(5) Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ;
(6) Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; và
(7) Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Các chính sách này được đề ra nhằm bảo đảm 4 mục tiêu cơ bản:
- Thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện pháp luật về SHTT; kế thừa giá trị của các văn bản pháp luật đã được ban hành; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể gồm người sáng tạo, bên sử dụng, công chúng thụ hưởng.
- Bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong sáng tạo văn học, nghệ thuật, KH&CN, tiếp cận các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó; khuyến khích tổ chức, cá nhân sáng tạo, đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu trong các lĩnh vực; bảo hộ quyền SHTT theo quy định tại Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật.
- Khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 16 năm thi hành Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
- Nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP, v.v.
|