Lễ Ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Trung tâm Truyền thông) nhằm triển khai hoạt động hợp tác giữa hai đơn vị một cách chủ động, gắn kết, có hệ thống các nội dung truyền thông về SHTT, hướng tới xây dựng nguồn thông tin đa dạng; tạo dựng và phát triển “văn hóa SHTT” trong cộng đồng.
Lễ ký được tổ chức trong không khí trang trọng với sự tham gia của ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT và bà Nguyễn Thị Hải Hằng, Giám đốc Trung tâm truyền thông. Tham dự và chứng kiến Lễ ký còn đại diện lãnh đạo của Cục SHTT, Trung tâm Truyền thông; lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc hai đơn vị.
Phát biểu tại Lễ ký, Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác truyền thông SHTT và khẳng định, hoạt động SHTT đến gần hơn với cuộc sống thông qua hoạt động truyền thông. Ông Đinh Hữu Phí cũng cho biết, hằng năm Cục SHTT phối hợp với Trung tâm Truyền thông thực hiện hiệu quả các sự kiện lớn như: Ngày SHTT thế giới 26/6; Ngày KH&CN Việt Nam 18/5; Hội nghị toàn quốc về SHTT; Chương trình 68...
Bản Ghi nhớ là căn cứ để hai đơn vị phát huy những lợi thế và tiềm năng của mình, cùng hợp tác hiệu quả hơn trong các hoạt động liên quan đến truyền thông về SHTT bao gồm: nghiên cứu đề xuất nội dung và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về SHTT; tổ chức các hoạt động truyền thông về công tác xây dựng cơ chế, chính sách phát triển hoạt động SHTT của Bộ KH&CN trong thời gian qua, đồng bộ từ khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, xây dựng “văn hóa SHTT”.
Giám đốc Nguyễn Thị Hải Hằng cũng nhất trí với ý kiến của Cục trưởng Đinh Hữu Phí về ý nghĩa của Bản Ghi nhớ và khẳng định Trung tâm Truyền thông luôn coi trọng việc phối hợp công tác để triển khai tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Đây cũng là Bản Ghi nhớ hợp tác đầu tiên mà Trung tâm Truyền thông ký với một đơn vị cùng trực thuộc Bộ KH&CN.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Hằng, báo chí, truyền thông viết về SHTT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, đòi hỏi các nhà báo không chỉ có kiến thức sâu rộng về nghiệp vụ, mà còn có khả năng tổng hợp cao, có niềm đam mê, nhiệt huyết. Truyền thông về SHTT không chỉ là việc cung cấp thông tin nhanh, hiệu quả tới công chúng mà còn có vai trò định hướng dư luận, tập hợp các đề xuất, kiến nghị của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… phục vụ việc xây dựng các chính sách phát triển hệ thống SHTT của đất nước.
Toàn cảnh Lễ ký kết.
Năm 2020 Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược SHTT đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2025) nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ của Bộ KH&CN được phân công tại Chiến lược. Trong đó nếu rõ 1 trong 8 nhiệm chủ yếu thực hiện Chiến lược là “Hình thành văn hóa SHTT trong xã hội. Xây dựng Đề án Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT”.
“Trên cơ sở Bản Ghi nhớ này, hai đơn vị sẽ cùng hợp tác tốt hơn nữa bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, có hệ thống để triển khai các nội dung truyền thông về SHTT, tạo nguồn thông tin đa dạng, tạo dựng và phát triển “văn hóa SHTT” trong cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Hải Hằng khẳng định.
Lễ ký cũng là cơ hội để lãnh đạo, cán bộ hai đơn vị trao đổi kinh nghiệm cũng như cụ thể hóa các nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, như: các chương trình dự án truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng/tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về SHTT; xây dựng đội ngũ truyền thông chính sách về SHTT theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp; xây dựng, triển khai mạng lưới và định hướng hoạt động truyền thông về SHTT trên phạm vi cả nước nhằm kết nối các hoạt động của đội ngũ cộng tác viên truyền thông SHTT đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội./.
Tin, ảnh: PV