Thương cha mẹ vất vả trong mỗi mùa thu hoạch sắn, Y Da Di đã nghĩ ra cách chế tạo ra chiếc máy nhổ sắn, giúp tiết kiệm sức lao động và thời gian. Chiếc máy đã đạt giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tạo khoa học, kỹ thuật toàn quốc năm 2015.
Cây sắn là nguồn thu nhập quan trọng của hàng vạn hộ nông dân Việt Nam, riêng các tỉnh Tây Nguyên, sắn là một trong những cây nông sản chủ lực; theo thống kê từ Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) tính đến năm 2014, cả nước có khoảng trên 400.000 ha cây sắn. Tuy nhiên, việc đầu tư khoa học, kỹ thuật cho cây sắn gần như chưa được quan tâm đúng mức. Vào mỗi mùa vụ thu hoạch sắn, bà con nông dân vẫn phải dùng cuốc hoặc tay để nhổ những bụi sắn rất vất vả; đặc biệt, có những nơi đất cứng, nhiều người phải dùng nước tưới đất cho ẩm ướt mới nhổ được cây sắn lên.
Gia đình cô học trò Y Da Di (lớp 9, Trường THCS Trần Khánh Dư, TP Kon Tum, Kon Tum) cũng vậy. Là gia đình thuần nông, thu nhập chính đều dựa vào cây sắn, và đến mỗi vụ thu hoạch sắn, bản thân Da Di cũng phải cùng với gia đình tưới nước cho ẩm ướt rồi mới nhổ được sắn lên. Điều đó khiến sức lao động và thời gian phải bỏ ra rất nhiều. Lao động vất vả, Da Di và những người dân trồng sắn chỉ ước có một chiếc máy thu hoạch sắn để giảm sức lao động, thu hoạch sắn dễ dàng hơn.
Tháng 5/2014, Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum phát động phong trào tập cho học sinh nghiên cứu Khoa học kỹ thuật trên toàn tỉnh. Sau khi Trường THCS Trần Khánh Dư triển khai trên toàn trường, qua chọn lọc, ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy nhổ sắn của Da Di được chọn. Và thầy Trần Đình Thuy - giáo viên dạy Sử của trường được cử là giáo viên hướng dẫn, giúp Da Di biến ý tưởng thành chiếc máy nhổ sắn ra ngoài thực tế.
Từ tháng 5 - 7/2014, sau nhiều lần thử nghiệm, thầy Thuy và Da Di đã cho ra đời thành công chiếc máy nhổ sắn. Chiếc máy được chế tạo theo nguyên tắc của lực đòn bẩy và kìm cộng lực.
Thầy Thuy cho biết, qua nhiều lần thử nghiệm và qua 4 chiếc máy thì cái hoàn thiện nhất mới ra đời. Sản phẩm được cấu tạo gồm một cánh tay đòn được làm từ thanh thép dày có gắn một càng cua như chiếc rọ chụp xuống; phía dưới cũng là một chiếc càng cua cũng bằng vật liệu từ thép để tăng độ dẻo, bền với chức năng tạo gòng kìm ôm trọn cây mì, một sợi dây kéo truyền lực và tay điều khiển càng cua để siết chặt cây mì nhổ bật khỏi đất.
Sau khi sản phẩm “Nhổ cây cầm tay” hoàn chỉnh, hai thầy trò đã mang vào rẫy của gia đình Da Di nhổ sắn. Quy trình sử dụng máy rất đơn giản, không sợ đứt tay chân như dùng cuốc, xẻng để nhổ cây, máy có thể sử dụng được ở mọi địa hình; chỉ cần bấm mạnh, càng cua phía dưới sẽ siết lại, lực đòn bẩy đã đưa cả bụi sắn lên khỏi mặt đất.
Một ưu điểm nữa của sản phẩm là giá cả sản xuất rẻ, chỉ bằng tiền mua một cái cuốc nên bất kì người nông dân nào trồng sắn cũng có thể mua cho mình một chiếc máy nhổ sắn thay vì mua cuốc.
Sản phẩm này đối với bà con nông dân trồng sắn rất ý nghĩa và thiết thực. Có thể nói, với họ đây là chiếc máy nhổ sắn đầu tiên mà họ tiếp cận được và hỗ trợ đắc lực nhất cho người lao động trong mỗi vụ thu hoạch sắn.
Thầy Trần Đình Thuy và em Da Di bên thành quả sáng tạo Da Di
Anh A Nai (trú xã Vinh Quang, TP Kon Tum) vui mừng: “Nhà mình trồng 2 héc ta mì, đất rẫy nhà mình rất cứng, mỗi năm thu hoạch rất khó khăn. Lúc nào có nước thì mình phải tưới ướt đất trước một ngày, hôm sau mới nhổ được mì. Có năm khô hạn, không có nước thì mình phải dùng cuốc rất khổ, cuốc vừa lâu mà lại bị gãy củ mì nữa. Từ khi có cái máy này, mình không cần tưới nước hay dùng cuốc nữa, cái máy giúp mình nhổ nhanh hơn mà củ mì cũng không bị gãy, nhà mình có 3 cái máy luôn”.
Hiểu được lợi ích lớn của cái máy trong cuộc sống, tháng 2/2015, sản phẩm của Da Di được lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đánh giá cao tại hội nghị trưng bày những sản phẩm sáng tạo trong giáo dục và đào tạo năm học 2014-2015. Vì vậy, sản phẩm được chọn gửi tham dự cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2015.
Sau khi sản phẩm mang đi dự giải, ngày 16/3/2015, vượt qua rất nhiều sản phẩm, chiếc máy nhổ mì của Di đã đạt giải Khuyến khích của cuộc thi Khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2015, tổ chức tại TPHCM.
Sáng tạo của cô học trò nhỏ đã mang lại ý nghĩa rất lớn đối với nông dân trồng sắn
Giải thưởng trên không chỉ là niềm vui đối với cô học trò Bahnar, mà nó còn là nguồn động viên tinh thần, sự khích lệ rất lớn đối với Da Di nói riêng và những học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn Tây Nguyên nói chung. Bởi, cũng như các em học sinh vùng cao khác, Da Di có cuộc sống khá vất vả trong gia đình có 6 anh em, hàng ngày một buổi đến trường, một buổi Di ở nhà làm đủ thứ việc kể cả lên rẫy nhổ mì; cuộc sống vật chất thì thiếu thốn đủ bề. Nhưng vượt lên tất cả, bằng ý chí, nghị lực và quyết tâm cho một tương lai tươi đẹp, Y Da Di luôn nỗ lực học tập và sáng tạo, em luôn là học sinh giỏi trong các năm học trước. Thành quả em đạt được thật đáng tự hào và xứng đáng.
“Không đi học thì em ở nhà nấu cơm, giặt đồ, làm rẫy cùng bố mẹ… Em ước mơ sau này trở thành cô giáo để dạy học sinh”, Da Di chia sẽ.
Thầy Trần Hữu Lộc- Hiệu trưởng nhà trường cho biết đây là lần đầu tiên thầy trò chúng tôi đến một sân chơi lớn như vậy nên không khỏi bỡ ngỡ. Các em học sinh khác thì ở thành phố lớn, có nhiều điều kiện hơn thầy trò chúng tôi nhiều, ngay cả trong giao tiếp và trả lời giám khảo của các em cũng khiến tôi ngạc nhiên. Còn học trò của mình thì rụt rè, bỡ ngỡ… Nhưng điều đó càng làm tôi tự hào, bởi dù thiệt thòi hơn các bạn rất nhiều nhưng em đã chứng tỏ được sự sáng tạo của mình.
Thầy Lộc cho biết thêm, Y Da Di là học trò ngoan, học giỏi, hát hay, đặc biệt là môn Tiếng Anh em học rất tốt. Giải thưởng của Da Di là nguồn động viên lớn đối với trường vì trường có 580 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 441 em.