Trong những năm gần đây, nhiều vụ mua bán quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của các sản phẩm nông nghiệp với số tiền hàng tỷ đồng ngày càng tăng. Điều này cho thấy việc đăng ký quyền SHTT cho giống cây trồng đang ngày càng quan trọng và kéo theo là lợi ích kinh tế của nó.
Những quyền SHTT tiền tỷ
Vừa qua, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) đã bỏ ra 2 tỷ đồng để mua giống thanh long ruột tím hồng LĐ 5. Sản phẩm này do Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nghiên cứu và đăng ký quyền sở hữu giống cây trồng.
Trước đó, do không được bảo vệ nên giống thanh long này bị các nước "vô tư" lấy giống. Do vậy, việc bán quyền đối với giống cây lần này sẽ đánh dấu sự thay đổi về ý thức của mọi người về quyền đối với giống cây trồng, đồng thời sẽ tạo được thương hiệu cây ăn trái Việt Nam trên trường quốc tế.
Thanh long ruột tím hồng là giống mới được lai cổ điển từ thanh long ruột đỏ Long Định và thanh long ruột trắng Chợ Gạo, có tính năng vượt trội như ra hoa khá mạnh và gần như quanh năm, có khả năng thụ phấn tự nhiên để tạo quả.
Hay một trong những thương vụ mua bán quyền đối với giống lúa “nổi đình đám” mới đây là Lúa lai HYT100 được chuyển nhượng với giá 3 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Nông nghiệp Kỹ thuật cao Hải Phòng đã mua quyền đối với giống lúa HYT100 của Viện Cây lương thực - cây thực phẩm (FCRI).
Viện nghiên cứu Ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) là một trong những đơn vị có nhiều thương vụ chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng. Đơn cử, hợp đồng chuyển nhượng quyền đối với giống ngô nếp lai số 5 cho Công ty cổ phần Giống cây trồng T.Ư và giống ngô nếp lai số 9 cho Công ty TNHH giống cây trồng miền Trung có giá trị hàng trăm triệu đồng. Viện này cũng đã chuyển nhượng quyền sử dụng giống ngô LVN 14 cho Tổng Cty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An với giá 3 tỷ đồng.
Hiện tại, 8 giống ngô lai của Viện nghiên cứu Ngô, 1 giống lúa của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long đã được các doanh nghiệp thỏa thuận mua trong thời gian tới. Giá trị thương mại của các giống đã chuyển nhượng đạt 39,78 tỷ đồng (gần 2 triệu USD), trong đó có giống ngô LVN6 chuyển nhượng cho CHDCND Lào.
Thúc đẩy sự sáng tạo
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết việc đăng ký quyền SHTT nhằm thúc đẩy sáng tạo và đưa ra cảnh báo cho các công ty, đơn vị liên quan đến từng ngành nghề hãy tránh xa những sản phẩm đã có quyền SHTT. Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi đưa sản phẩm ra thị trường đều có sự cạnh tranh. Vì vậy, việc quan tâm, đầu tư, quản lý sản phẩm để mang lại mức tăng trưởng cao là điều cần thiết.
Trong đó, việc quản lý sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp, đơn vị muốn quản lý tốt cần phải có một tổ chức quản lý làm "từ khâu sáng tạo, bảo vệ bằng công cụ pháp lý đến khai thác bằng nhiều phương pháp như nhượng quyền thương mại, chuyển giao công nghệ...", ông Bình nhấn mạnh.
Ông Đoàn Văn Sáu, giám đốc một đơn vị đã mua giống lúa với giá 10 tỷ đồng chia sẻ rằng, sau khi mua quyền đối với giống lúa, ông đã liên kết với nông dân sản xuất lúa giống trên diện tích trên 300 ha, mỗi năm cho 1.000 tấn hạt lai F1 TH3-3, bán với giá 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 2/3 so với giá giống lúa lai 2 dòng nhập từ Trung Quốc. Cứ mỗi kg hạt giống lúa lai TH3-3 bán ra thị trường, đơn vị này đạt lãi ròng 30 nghìn đồng, mỗi năm bán được 1.000 tấn, thu về lợi nhuận 30 tỷ đồng.
So với các nước trên thế giới, chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng ở Việt Nam vẫn còn tương đối mới mẻ và hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách. Đơn cử, quy định chuyển nhượng thực hiện theo cả Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Chuyển giao công nghệ nên có độ chênh khi tính toán giá trị hợp đồng. Chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng cho các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho giống mới có thể tồn tại lâu hơn, diện tích mở rộng nhanh hơn trong sản xuất. Đơn vị bán quyền SHTT có thêm nguồn vốn để tái đầu tư nghiên cứu khoa học.