Trong cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI) lần thứ 7 năm 2010, Việt Nam có hai công trình đặc biệt nhận được giải thưởng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Một trong hai công trình ấy là sản phẩm "Robot đa năng phục vụ nông nghiệp" của em Nguyễn Văn Hòa – học sinh lớp 12A3 trường THPT Hiệp Hòa 2 – Hiệp Hòa – Bắc Giang. Đây là lần thứ 3 Hòa tham gia và có sản phẩm đoạt giải tại cuộc thi này.
Trắng trẻo, thư sinh và gầy gò như một cậu học sinh cấp 2, Hòa gây ấn tượng mạnh với người đối diện bằng đôi mắt sáng, ánh nhìn thông minh và giọng nói thật thà. Khá rụt rè giữa "vòng quây" của báo chí, Hòa chia sẻ: "Đây là lần thứ 3 em tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trẻ. Hai lần trước, một lần em đoạt giải khuyến khích, một lần đoạt giải nhì".
Ham mê vẽ, lắp ráp từ khi còn nhỏ, cậu học trò sinh ra từ một gia đình nghèo khó ấy đã có thói quen "nhặt nhạnh" đồ điện hỏng của gia đình, của hàng xóm về tấp lại trong góc nhà rồi mở, lắp, ghép để biến chúng thành những thứ sử dụng được. Những sản phẩm ban đầu đó của Hòa chỉ là những sản phẩm đơn giản để thỏa mãn niềm đam mê, tạo ra những thứ đồ chơi nho nhỏ cho mình và cho đứa cháu. Tuy nhiên, đến năm 2007, khi nhà trường thông báo về cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên trẻ, trong đầu Hòa bắt đầu nảy sinh hàng loạt ý tưởng. Về nhà, Hòa bắt đầu tỷ mẩn lắp ráp từ những vật dụng bỏ đi như quạt điện, đèn pin, đài, máy vi tính hỏng… tạo thành một con robot. Mô hình robot đầu tiên em làm được trong năm đó đã được gửi đi thi và đoạt giải khuyến khích. Không dừng lại ở đó, năm 2008, em tiếp tục tham gia cuộc thi với mô hình xe cứu hỏa đa năng và đoạt giải nhì. "Bố mẹ em vui khi em đoạt giải chứ?" – tôi hỏi – "Dạ cũng vui, nhưng bố mẹ em chỉ sợ em ham mê quá mà sao nhãng việc học. Bố mẹ em vất vả, chỉ mong em tập trung học tập để thành tài". Không phụ lòng bố mẹ, 12 năm qua, bên cạnh niềm đam mê lắp ráp, Hòa liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Chia sẻ về sản phẩm robot đa năng phục vụ nông nghiệp, Hòa nói: "Nhà em thuần nông, mỗi lần chứng kiến cảnh bố mẹ em vất vả, mệt mỏi sau mỗi lần đi làm đồng về, em rất buồn vì mình còn nhỏ, không giúp được nhiều cho bố mẹ. Sản phẩm robot phục vụ nông nghiệp em làm ra với mục đích chính là làm thay việc cho bố mẹ để bố mẹ em đỡ vất vả".
Hòa lắp ráp con robot này trong vẻn vẹn 15 ngày do phải "chạy đua" với hạn nộp cuối cùng mà cuộc thi đưa ra. Trong thời gian lắp ráp, đã có lúc Hòa muốn bỏ cuộc khi lắp ráp hoàn thiện robot rồi, chỉ còn cắm điện là xong thì do sử dụng sai mức điện áp, cả con robot cháy toàn bộ. Vật liệu làm robot hết sạch, cộng với hạn chót nộp bài thi đã liền kề, Hòa chán nản đến mất ăn, mất ngủ. Nhưng rồi được sự động viên từ thầy cô, bố mẹ, bạn bè, sau một đêm suy nghĩ, tìm ra điểm sai ở đâu, sáng hôm sau Hòa lại bắt đầu "lóc cóc" đạp xe hơn 30km đi mua vật liệu, lắp ráp lại và lần này, con robot đã bắt đầu hoạt động được. "Lần đầu mang robot ra ruộng ngô "thực hành", thấy nó bắt đầu đi được những bước đầu tiên và phun thuốc trước sự chứng kiến của cả gia đình, em vui đến mức nhảy lên giữa ruộng. Điều khiến em tâm đắc nhất là cuối cùng, em có thể làm ra một sản phẩm thực sự có tác dụng đỡ đần công việc cho bố mẹ em" – Hòa vui vẻ chia sẻ.
Điểm đặc biệt ở con robot này nằm ở khả năng biến hình, do đó có rất nhiều chức năng khác nhau như phun thuốc trừ sâu, thu hoạch nông sản… Ở trạng thái ban đầu, robot có chiều cao 50cm, nặng 8kg, khá gọn nhẹ để cất đi khi không sử dụng, di chuyển được là nhờ một hệ thống bánh xích ở dưới. Khi robot hoạt động sẽ chuyển từ trạng thái ban đầu thành một hình người cao khoảng 1m, có phần đầu, mình, chân tay... Hai cánh tay được lắp khớp để cử động linh hoạt. Để phun thuốc trừ sâu, tay phải robot sẽ được gắn vòi phun gần (phun được 2m), tay trái gắn vòi phun xa (phun được 4m). Phía sau lưng gắn hai ống nước có đường kính 7cm, một ống cao 60 cm, ống ngắn 30 cm. Mục đích của hai ống chênh lệch nhau là để có áp suất khi phun nước. Hai cánh quạt phía sau lưng giúp thổi nước bay xa hơn. Hai ống sau lưng có thể đựng được 2 đến 3 lít nước. Khi muốn robot hái quả, hai vòi phun này sẽ được thay bằng "tay" robot để robot có thể hái quả được. Robot hoạt động nhờ dòng điện bằng bình ác quy 6 đến 12 vôn được nối các mạch với nhau đến hệ thống bảng điều khiển. Sản phẩm của Hòa được Ban tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên trẻ đánh giá rất cao, cho nên ngoài giải thưởng đặc biệt của Ban tổ chức IEYI, sản phẩm còn giành được giải thưởng của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Đoạt giải cao rồi nhưng không nghĩ đây là sản phẩm cuối cùng, Hòa chia sẻ: "Em có hai niềm đam mê là thi đỗ vào Đại học Bách khoa hoặc Đại học Kiến trúc để có thể làm ra nhiều sản phẩm hơn nữa, để đem những sản phẩm của em phục vụ nhiều hơn cho cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống của những người nông dân vất vả như bố mẹ em. Riêng về sản phẩm robot đa năng phục vụ nông nghiệp, em cũng hy vọng các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ quan tâm, đầu tư cho sản phẩm này để góp phần đưa sản phẩm trở thành hàng hóa, trợ giúp cho người nông dân"./.
Phương Lan