Nhiều vấn đề “nóng sốt” trong đời sống giới trẻ, xã hội được học sinh TPHCM nghiên cứu như những chuyên gia thực thụ bằng chính con mắt, góc nhìn và sự đầu tư của mình.
Nhiều đề tài liên quan đến đời sống học đường, xã hội được học sinh (HS) TPHCM nghiên cứu đưa đến Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố năm học 2013 - 2014.
Từ thế giới của chính mình
Trước nhiều chuyện đau lòng của học trò như đi bụi, sử dụng bạo lực, tự tử, thậm chí giết người…, nhóm ba người bạn Minh Nguyệt, Phúc Duy, Nhật Linh, lớp 11 Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý chung băn khoăn về kỹ năng sống, mà cụ thể là kỹ năng giải quyết vấn đề của HS hiện nay. Đó là lý do, các bạn chọn đề tài “Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn”.
Từ những khảo sát của mình, các bạn đánh giá, tỷ lệ HS có kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ rất thấp, đặc biệt là trong quan hệ gia đình.
Họ đặt ra một giả thuyết: “Phải chăng hiện nay, các buổi nói chuyện, các buổi chuyên đề về kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn chỉ xoáy mạnh vào những vấn đề ở trong nhà trường và ngoài xã hội? Nhưng lại quên mất rằng ngay từ trong gia đình cũng có những mâu thuẫn”.
Từ thực trạng đó, nhiều giải pháp được đưa ra. Trong đó giải pháp khá đặc sắc là xây dựng chương trình “Tập làm người lớn” để HS “hóa thân” vào những trường thành để giải quyết các xung đột và tổ chức “Ngày hội gia đình” tạo điều kiện cho bố mẹ, con cái gặp gỡ, trò chuyện.
Cũng đến từ trường Đinh Thiện Lý, nhóm HS lớp 9 gồm Anh Quân, Bảo Vy, Thùy Minh nghiên cứu tâm lý của giới trẻ thông qua hiện tượng Vlog (một dạng videoclip được giới trẻ sử dụng để nói lên quan điểm, suy nghĩ của mình qua ngôn ngữ cá nhân).
Học sinh giới thiệu về đề tài nghiên cứu từ hiện tượng Vlog của giới trẻ.
Đề tài tập trung tìm hiểu, đánh giá về ý định, mong muốn và mức độ phổ biến của Vlog hiện nay cũng như mức độ ảnh hưởng thông qua khảo sát 1.000 HS. Thông qua đó, các bạn đưa ra đề xuất đối với những người làm giáo dục, gia đình và cả với những nhà quản lý văn hóa thông tin để Vlog thêm hữu ích, tích cực với học trò.
Nhóm 3 HS của Trường THPT Trần Văn Giàu cũng có đề tài nghiên cứu “Mạng xã hội và việc học tiếng Anh” đầy gợi mở. Thông qua 12 câu hỏi thực hiện với 500 HS từ nhiều trường THPT ở Bình Thạnh, gần 80% HS nhận thức tiếng Anh quan trọng với bản thân, cần thiết cho công việc tương lai. Tỷ lệ HS sử dụng rất cao và họ cho rằng mạng xã hội cần thiết cho việc học tiếng Anh vì dễ dàng trao đổi thông tin, truy cập dễ dàng, việc học mới mẻ.
Các bạn chỉ ra việc học tiếng Anh qua mạng xã hội chưa được chú trọng đúng mức, cũng như chưa thật sự phát huy được tính hiệu quả. Họ hy vọng qua đề tài của mình sẽ là tiền đề cho nhiều nghiên cứu khác để việc học tiếng Anh qua mạng xã hội được lưu tâm hơn.
Quan tâm đến đời sống xã hội
Một lần vô tình biết được thông tin, người khiếm thị muốn đọc được một cuốn sách mỏng cũng mất hàng tháng trời, em Trần Thị Diệu Liên, HS lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã một mình mày mò nghiên cứu bảng hiện thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị.
Từ ứng dụng nguyên lý đèn LED và lực điện của nam chân điện để làm hiện thị trực tiếp gờ nổi lên bề mặt của bảng máy thông qua tương tác với máy tính, Liên từng bước thực hiện đề tài này. Đề tài bộ máy tiện lợi, giúp người khiếm thị tiết kiệm thời gian đọc tài liệu được Liên xây dựng.
Khi vào vai nhà nghiên cứu, học sinh có nhiều ý tưởng, đề tài rất thiết thực với đời sống.
Đề tài “Khảo sát vượt đèn đỏ ở hai loại đèn giao thông có số và không số” này sinh trong đầu hai bạn Nguyễn Tiến Hưng và Lê Khắc Hoàn Vũ của Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý khi nhiều lần “thót tim” chứng kiến cảnh người đi đường vượt đèn đỏ. Ngoài ra, các bạn cũng bức xúc khi mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi mạng sống của hàng ngàn con người mà trong đó phần lớn do ý thức con người, gặp tai nạn vì cố ý vượt đèn đỏ.
Từ việc khảo sát và thực tế quan sát, đánh giá tại nhiều điểm đèn đỏ trong thành phố, các bạn cho rằng số người tham gia gia giao thông vượt đèn đỏ ở loại đèn giao thông có số chiếm 39,8%, còn ở loại đèn không số chỉ 5,5%, đồng nghĩa tai nạn ở loại đèn không số sẽ thấp hơn rất nhiều. Bởi thế các bạn đề xuất lắp đèn tín hiệu giao thông không hiện số về thời gian thay vì có số đếm lùi như hầu hết điểm đèn giao thông hiện nay.
12 đề tài đạt giải nhất
Từ 36 đề tài, cuộc thi chọn được 12 đề tài đoạt giải nhất, tiếp tục thi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Trong đó, có 4 đề tài thuộc về HS Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn; Giải pháp đun xanh cho hệ thống đun nước trong gia đình; Khảo sát vượt đèn đỏ ở hai loại đèn giao thông có số và không có số; Ứng dụng của lý thuyết trò chơi trong hoạt động giáo dục.
Trường chuyên Trần Đại Nghĩa có ba đề tài đoạt giải nhất gồm Phân lập và ứng dụng nấm sợi, mấm men và vi khuẩn trong tự nhiên để xử lí dầu nhớt thải; Sử dụng hạt cà phê tươi thực hiện bộ kit thử formol trong bún và bánh phở và đề tài Trị gầu bằng tinh dầu cỏ hôi.
|