Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 03:44 am
Cập nhật : 28/08/2012 , 15:08(GMT +7)
Khẳng định giá trị công nghiệp vi mạch
Phòng kiểm định lõi IP, một trong những công trình do UBND TPHCM đầu tư xây dựng
Ngành công nghiệp vi mạch đang có tầm quan trọng hàng đầu, cả về quy mô lẫn sự kết hợp về tri thức khoa học, là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng. TPHCM quyết tâm thực hiện “Chương trình phát triển vi mạch TPHCM” với kinh phí trên 7.500 tỷ đồng là bước đi mạnh mẽ, mang tính chiến lược.

Chọn lựa phù hợp với khả năng

Không phải ngẫu nhiên trong 2 ngày cuối tuần qua, Đại học Quốc gia TPHCM cùng Khu công nghệ cao TPHCM đã tổ chức hội nghị lần thứ 2 về công nghệ vi mạch bán dẫn. Tham dự hội nghị có trên 250 đại biểu, đặc biệt có hơn 50 giáo sư nổi tiếng về lĩnh vực thiết kế và chế tạo vi mạch đến từ Nhật Bản, Mỹ, Na Uy, Thụy Sĩ, Hàn Quốc... với hơn 65 bài báo khoa học đã được gửi đến hội nghị.

Các đại biểu tham gia thảo luận hai chủ đề chính: “Vi mạch là sản phẩm quốc gia – Tiềm năng và thách thức” và “Nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam”, qua đây đã cho thấy cái nhìn tổng quát, định hướng về sản phẩm và nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ vi mạch Việt Nam.

Song song đó, 4 chủ đề khác cũng được các nhà khoa học trong và ngoài nước trao đổi là thiết kế vi mạch (IC Design); công nghệ và linh kiện IC (Devices and IC Technology); hệ thống tích hợp IC (IC systems); ứng dụng vi mạch (Application IC) và 2 tham luận của giáo sư Nhật Bản và Hàn Quốc trình bày những nghiên cứu mới về lĩnh vực vi mạch tại Nhật Bản và Hàn Quốc… đã thêm những thông tin thiết thực cho những nhà khoa học làm vi mạch ở nước ta.

Có thể thấy hội nghị lần này có một vai trò, ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nó trở thành diễn đàn chung cho các nhà khoa học về vi mạch trong nước giới thiệu kết quả nghiên cứu, giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới để hội nhập và nâng cao trình độ nghiên cứu trong nước. Đồng thời đây cũng là dịp để trao đổi tình hình thiết kế và chế tạo vi mạch trong nước và định hướng cho ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam.

Đặc biệt hơn, hội nghị diễn ra trong bối cảnh chủ trương, quyết sách của Chính phủ đã xác định công nghiệp vi mạch là một trong những chiến lược phát triển của đất nước và cụ thể hơn là “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM” vừa được UBND TPHCM thống nhất thực hiện với mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch sẽ đạt 100 - 150 triệu USD. Các sản phẩm của ngành vi mạch trong nước sẽ góp phần tích cực cho việc đổi mới công nghệ quốc phòng và gia tăng tính bảo mật trong an ninh quốc phòng…

Cũng cần phải nói, có nhận định cho rằng mục tiêu trên là thấp so với tổng vốn đầu tư trên 7.500 tỷ đồng nhưng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển vi mạch TPHCM đã khẳng định, mục tiêu phù hợp với đặc điểm của thành phố, thị trường cũng như hướng phát triển của ngành công nghiệp vi mạch trong bối cảnh hiện nay và tương lai.

Khẳng định giá trị ở từng dự án, đề án

Để thực hiện được mục tiêu của “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM”, TPHCM sẽ thực hiện 2 dự án (gồm dự án Design House - Ngôi nhà phần mềm dùng chung; dự án xây dựng nhà máy chip) và 4 đề án (gồm đào tạo nhân lực vi mạch; ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và hệ thống nhúng; thiết kế và sản xuất thử nghiệm; quảng bá vi mạch).

Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM với mục tiêu ban đầu sẽ đạt 100 - 150 triệu USD, có thể thấy rõ nguồn thu này bao gồm: 90 triệu USD từ nhà máy sản xuất vi mạch do Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn quản lý và vận hành.

Trong giai đoạn đầu nhà máy dự kiến sẽ sản xuất 6.000 wafer/tháng, tương ứng với 72.000 wafer/ năm (khoảng 1,8 tỷ con chip/năm), cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước cũng như các trường đại học, công ty kỹ thuật cao; 6 - 8 triệu USD từ các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo qua chương trình.

Ngoài ra những doanh nghiệp này còn đóng góp thêm cho nguồn thu qua việc thuê mướn mặt bằng hoạt động, sử dụng dịch vụ, các chi phí quản lý phát sinh… Sẽ có 25-30 triệu USD từ các doanh nghiệp công nghệ vi mạch trong nước được ươm tạo thành công.

Những doanh nghiệp vừa và nhỏ này giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế và chiếm tỷ trọng lớn trên tổng số doanh nghiệp; 3 - 4 triệu USD từ dự án Design House. Dịch vụ do Design House cung cấp cho 1 trường đại học tham gia vào khoảng 5.000 USD/năm và cho 1 doanh nghiệp là 150.000 USD/năm… Kế đó là doanh thu từ đề án thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi mạch, kinh doanh lõi IP và chuyển giao công nghệ…

Đến nay các công tác liên quan đến “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM” đang được ráo riết triển khai thực hiện, tiềm năng của ngành công nghiệp vi mạch TPHCM đang được khai dựng, từng bước khẳng định giá trị của công nghiệp vi mạch. Cho nên chúng ta đang kỳ vọng đến năm 2017, chương trình sẽ góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế và kiềm chế lạm phát; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm điện tử Việt Nam với mức lợi nhuận 20% - 30%; góp phần tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Song song đó còn góp phần quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghệ vi mạch Việt Nam, nâng cao trình độ các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật trong thiết kế, ứng dụng và chế tạo vi mạch điện tử… và từng bước làm chủ công nghệ vi mạch.

Nguồn tin: Sài Gòn Giải phóng

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner