Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ năm, 21/11/2024 , 09:06 pm
Cập nhật : 09/05/2022 , 14:05(GMT +7)
Khai thác tài sản trí tuệ tại viện, trường: Nhiều tiềm năng ứng dụng
Theo các nhà khoa học, việc phát triển sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu tại viện, trường rất có tiềm năng.

Mới đây Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Trường đại học Hồng Đức- thành phố Thanh Hoá và Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ hoạt động khai thác tài sản trí tuệ tại trường đại học, viện nghiên cứu”.

Theo ông Đinh Hữu Phí- Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo luôn là vũ khí sắc bén để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, trụ vững và phát triển, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid đang tiếp tục diễn biến phức tạp. “Hoạt động nghiên cứu, khai thác tài sản trí tuệ tại các Trường đại học, Viện nghiên cứu ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của đất nước”.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN và ông Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cùng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, việc thắt chặt mối quan hệ này, nhằm hướng tới việc tăng cường hiệu quả thương mại hoá tài sản trí tuệ, khai thác nguồn tài nguyên trí tuệ của quốc gia.

Bàn chủ đề về chính sách và thực tiễn của trường đại học, viện nghiên cứu, các diễn giả đến từ Trường đại học Hồng Đức, Trường đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội và Viện Ứng dụng công nghệ thuộc Bộ KH&CN đã chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính sách quản lý sở hữu trí tuệ và mô hình thành công trong thương mại hóa tài sản trí tuệ được tạo ra tại trường đại học, viện nghiên cứu.

Các đại biểu cũng thảo luận chính sách về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khai thác tài sản trí tuệ. PGS.TS Đàm Sao Mai, Phó hiệu trưởng ĐH Công nghiệp TP HCM, gọi tài sản sở hữu trí tuệ là "những con số biết nói". Theo bà, Việt Nam đã có sự gia tăng về số lượng sáng chế (tăng 16-18%/năm), giải pháp hữu ích (6-8%/năm), điều này góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn toàn cầu GII. Tuy nhiên với 80% nhân lực khoa học công nghệ đang tập trung tại Viện, trường, đại học, các kết quả nghiên cứu, sáng chế được đưa ra thị trường vẫn còn ít.

Theo PGS Mai, hạn chế đến từ việc các nhà khoa học thường lựa chọn công bố bài báo và tư duy cũ "bán cái có sẵn chưa chưa bán cái doanh nghiệp cần", chưa chủ động thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bà đánh giá vẫn còn một số khó khăn trong triển khai cơ chế bảo hộ, đa số công trình sản phẩm chưa có tính ứng dụng cao, khả năng kết nối doanh nghiệp còn thấp. "Nghiên cứu khoa học là kim chỉ nam, song chất lượng công nghệ, chuyển giao công nghệ và nghiên cứu đặt hàng cũng là điều quan trọng", bà nhấn mạnh.

Bà Mai cho biết giải pháp được trường đưa ra là theo sát chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ, phát triển nghiên cứu ứng dụng, đưa sản phẩm thương mại, kết nối doanh nghiệp, chuyên gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng cơ chế thiết lập doanh nghiệp Spin-off, hỗ trợ khởi nghiệp.

Mục tiêu ươm tạo doanh nghiệp Spin-off trong trường đại học cũng là một định hướng được ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc ươm tạo BK Holdings, Giám đốc quản lý quỹ BK Funds, chia sẻ. Ông cho biết, chương trình ươm tạo Lab2market dựa theo 9 thang đánh giá giúp phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Bách khoa Hà Nội.

Nổi tiếng với 21 sáng chế được ứng dụng trong thực tiễn, từ câu chuyện của bản thân, ông Đỗ Đức Thắng, Phó Viện trưởng Viện công nghệ GFS, cho biết có nhiều khó khăn mà các nhà sáng chế phải đối mặt. Ngoài vấn đề tài chính, ông cho rằng các nhà sáng chế hầu như không thể tự bảo vệ tài sản trí tuệ của mình. Trong đó có việc vòng đời sáng chế bị giải mã công nghệ và sao chép rất nhanh.

Ở phần đề xuất, ông cho rằng cần thiết vinh danh nhà sáng chế để thúc đẩy sáng tạo, có nhiều sáng chế hơn, thu hút các tài năng đi vào R&D thay vì đổ dồn vào các ngành có thu nhập ổn định nhưng không tạo ra nhiều của cải. Ông cho biết thêm, cần tạo điều kiện cho nghiên cứu sáng tạo, thiết thực, phát huy sức mạnh các tập đoàn kinh tế tư nhân...

Phía đại diện doanh nghiệp hoạt động khởi nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ từ trường đại học, ông Ngô Ngọc Thành, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Beet Innovators, Hà Nội, nói sẵn sàng hợp tác phát triển, thương mại sản phẩm khai thác tài sản trí tuệ tại các trường, đại học. Tuy nhiên, ông Thành gợi ý các nghiên cứu cần hướng tới việc có thể ứng dụng sản phẩm trong thực tế.

Ông Vũ Xuân Tạo, Trung tâm Sinh học thực nghiệm - Viện Ứng dụng Công nghệ, nhận định việc phát triển sản phẩm từ các kết quả nghiên cứu tại viện, trường rất có tiềm năng. Ông cho biết, khai thác tài sản trí tuệ theo hai hướng gồm chuyển giao công nghệ và phát triển trực tiếp sản phẩm, đưa ra thương mại hóa trên thị trường. Ông Tạo minh họa bằng ví dụ thực tế bộ kít xét nghiệm nCoV dựa trên công nghệ RT-PCR do Học viện Quân y phát triển sau đó chuyển giao cho doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả ứng dụng cao khi đại dịch. Hay một ví dụ khác là nghiên cứu tạo ra giống lúa TH3-3 của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm với giá trị chuyển nhượng quyền 10 tỷ đồng sau khi đăng kí sở hữu trí tuệ.

"Đây là những minh chứng rõ nhất cho việc khai thác sản phẩm trí tuệ, chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ đưa vào thương mại phát triển sản phẩm", ông nói.

Các chuyên gia đồng tình các sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ nếu được doanh nghiệp chủ động đặt hàng, khai thác có thể giúp phát triển, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Các diễn giả đến từ khối doanh nghiệp đều chia sẻ rào cản lớn nhất hạn chế hiệu quả của sự hợp tác này chính là việc các hoạt động nghiên cứu của các trường, viện chưa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, trong khi nguồn lực nghiên cứu nội sinh lớn nhất lại nằm ở các trường, viện, và nhu cầu của các doanh nghiệp đối với các công nghệ mới ngày càng tăng cao. Để giải quyết tồn tại này, giải pháp mà các diễn giả đưa ra là chính các trường đại học, viện nghiên cứu phải chuyển mình, nâng cao năng lực nghiên cứu, đáp ứng một cách thiết thực các nhu cầu của xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, song song với việc hoàn thiện cơ chế chính sách của Nhà nước. Doanh nghiệp cần trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết không chỉ về quản lý tài sản trí tuệ mà cả về quản lý con người, bởi nhân lực chất lượng cao chính là nguồn tài nguyên quan trọng để liên tục tạo ra tài sản trí tuệ.

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT với những bước đổi mới trong hệ thống pháp luật, trong bộ máy quản lý, cũng như sự thay đổi tư duy của các nhà khoa học và doanh nghiệp, các kết quả nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu sẽ có con đường rộng mở để đến với thị trường, nhất là khi những doanh nghiệp đang rất cần những công nghệ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự đi lên của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nói riêng và cả sự phát triển của đất nước nói chung.

Bài, ảnh: PV








 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner