Từ ngày 23 đến 25/9, tại Hà Nội, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol tổ chức Hội nghị thực thi pháp luật quốc tế lần thứ 8 về tội phạm sở hữu trí tuệ. Tham dự Hội nghị có khoảng 500 đại biểu đến từ 80 quốc gia trên thế giới.
Tại hội nghị, Đại biểu các nước tham dự đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại quốc gia mình. Đây là dịp để cơ quan cảnh sát hình sự các quốc gia phân tích rõ hơn về thực trạng tội phạm sở hữu trí tuệ; tác động của tội phạm này đến an ninh, để từ đó tìm ra các giải pháp phối hợp đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm này.
Từ năm 2005 đến nay, việc đăng lý và cấp chứng nhận bảo hộ ở Việt Nam tăng bình quân hàng năm 20%. Tuy vậy, cũng như thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn do tội phạm xuyên quốc gia về xâm phạm SHTT gây ra. Xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật, giả. Các hành vi vi phạm ngày càng nguy hiểm hơn ở tính chất vi phạm, có tổ chức chặt chẽ không những trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài. Việc nhái các nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì… không chỉ xảy ra với các sản phẩm tiêu dùng thông thường mà đã và đang xảy ra với những sản phẩm có công dụng và chức năng đặc biệt như thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, sắt thép xây dựng, xi-măng…
Về quyền tác giả, việc sao chép tác phẩm không chỉ xảy ra với các sản phẩm giải trí như băng đĩa nhạc, phim ảnh và không chỉ thực hiện bởi những người buôn bán thuần túy, mà còn xảy ra cả với các sản phẩm nghiên cứu, sáng tác, phần mềm…
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam trân trọng cảm ơn tổ chức Interpol đã tin tưởng lựa chọn Việt Nam là quốc gia châu Á thứ 2 đồng tổ chức sự kiện này. Đồng thời, khẳng định Việt Nam là quốc gia có những nhận thức sâu sắc về vấn đề sử hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, ý tưởng về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả đã được ghi nhận từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Luật sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2006. Việt Nam cũng đã gia nhập và ký các điều ước quốc tế về quyền liên quan như: Công ước Burn, Công ước Roma, Công ước Bruxelles… Thứ trưởng cho biết.
Hầu hết đại diện các nước đều cho rằng, trong thời đại phát triển nền kinh tế tri thức và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng quan trọng trong phát triển sự sáng tạo của mỗi quốc gia. Các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ xuyên quốc gia, nhất là sản xuất và buôn bán hàng giả luôn tạo ra siêu lợi nhuận nên lôi kéo được nhiều đối tượng, băng nhóm tội phạm tham gia. Các loại tội phạm này ngày càng có sự liên kết chặt chẽ và hỗ trợ tài chính cho nhau.
Cũng tại hội nghị, đại biểu các nước tham gia đã kiến nghị thiết lập đầu mối kết nối giữa các nước để trao đổi, cung cấp thông tin, kinh nghiệm trong phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ và xử lý tội phạm sở hữu trí tuệ.
Tin, ảnh: Diệu Huyền