Ngày 20/5, tại Hà Nội, Chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ASEAN trong lĩnh vực SHTT (Dự án Ecap III) đã phối hợp với ASEAN và Việt Nam tổ chức hội thảo “Bảo hộ chỉ dẫn địa lý của ASEAN tại thị trường đã xuất khẩu và thị trường tiềm năng” với sự tham dự của các đại biểu đến từ cơ quan SHTT các nước trong khu vực ASEAN, các hiệp hội, làng nghề, vùng miền có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu về hệ thống thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL) ở châu Âu (EU) và khu vực ASEAN nhằm giúp các nước ASEAN có cái nhìn tổng quan với những chiến lược cụ thể cho việc đăng ký CDĐL của mình tại thị trường EU và ASEAN. Hội thảo cũng là cơ hội để đại biểu các nước ASEAN trao đổi trực tiếp với các chuyên gia đến từ EU về thủ tục cũng như kinh nghiệm đăng ký CDĐL ở châu Âu đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu về hoạt động bảo hộ CDĐL của đất nước mình...
Phát biểu tại hội thảo, phó cục trưởng Trần Hữu Nam cho biết, CDĐL có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thúc đẩy và phát triển nền kinh tế - xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Trước thực tế Việt Nam (cũng như các nước khu vực ASEAN) còn thiếu thông tin, kinh nghiệm về thủ tục đăng ký CDĐL ở châu Âu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những văn bản chính thức về bảo hộ CDĐL, hỗ trợ cho các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp về bảo hộ CDĐL cũng như quyền bảo hộ SHTT tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có hai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và các nhà sản xuất...
Nhằm cung cấp thông tin đầy đủ về việc đăng ký CDĐL ở châu Âu, tại hội thảo, ông Antonio Berenguer, Trưởng bộ phận kinh tế và thương mại của phái đoàn EU tại Băng- Cốc (Thái Lan) đã giới thiệu về hệ thống đăng ký CDĐL cho các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm ở châu Âu cũng như các thủ tục nộp đơn.
Gợi ý cho Việt Nam và các nước ASEAN về cách đăng ký CDĐL thuận tiện nhất theo ông Antonio Berenguer là bảo hộ thông qua các thỏa thuận quốc tế bởi đây sẽ là một quá trình toàn diện hơn, có nhiều CDĐL được bảo hộ và mất ít thời gian hơn.
Theo số liệu thống kế đơn đăng ký CDĐL, hiện Việt Nam có 35 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý trong đó có 3 CDĐL được bảo hộ ở nước ngoài và 01 sản phẩm là nước mắm Phú Quốc đã được đăng ký CDĐL tại thị trường EU.
Mai Hà