Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Nam núi Dành thuộc huyện Tân Yên (Bắc Giang), một loài sâm quý được lưu truyền trong dân gian, nhưng có thời điểm tưởng như đã tuyệt chủng. Đây là thành quả sau nhiều năm cố gắng của người dân ven núi Dành trong việc bảo tồn, phát triển nguồn gen sâm quý hiếm.
Ông Nguyễn Khắc Lư (thôn Hậu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang) chăm sóc những khóm sâm Nam mọc xen lẫn những bụi cây dứa
Nguy cơ tuyệt chủng
Trên thế giới vốn nổi tiếng với nhân sâm Triều Tiên, Hàn Quốc. Còn tại Việt Nam, nói đến sâm nhiều người thường nghĩ ngay đến sâm Ngọc Linh. Thế nhưng ít ai biết rằng ở một ngọn núi phía Bắc còn tồn tại loài sâm quý hiếm khác đang được xây dựng thương hiệu, đó là sâm Nam núi Dành.
Theo sách Địa chí Bắc Giang, núi Dành xưa kia còn có tên là núi Chung Sơn, nổi tiếng với nhiều kỳ hoa dị thảo. Còn sách “Đại Nam nhất thống chí” ghi chép: Núi Chung Sơn ở xã Bảo Lộc, thuộc địa giới Yên Thế sản xuất ra sâm Nam và cỏ thi. Sách này còn lưu lại tư liệu như sau: “Tên nỏ sản xuất tại Yên Thế. Cát sâm sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cát Sâm cũng gọi là sâm Nam, sâm sản ở đỉnh núi Chung Sơn, huyện Yên Thế da vàng, thịt chắc, khí vị đều tốt, không như sâm sản ở xứ khác da trắng và nhiều nhớt”.
Dãy núi Dành hiện nay thuộc địa phận hai xã Liên Chung và Việt Lập, huyện Tân Yên. Từ xa xưa, nơi đây được nhiều người biết đến với sản phẩm sâm Nam, còn gọi là “sâm tiến vua”. Cũng có người gọi là cát sâm nhưng người dân địa phương vẫn quen gọi là sâm Nam núi Dành.
Sản phẩm sâm Nam núi Dành hiện phần lớn được ngâm rượu hoặc hãm nước uống
Theo quan sát của chúng tôi, sâm Nam núi Dành là loài dây leo mảnh, thường nằm bò trên mặt đất hoặc phải tựa, cuốn theo cành lá cây khác để vươn lên. Củ sâm có lớp vỏ bên ngoài hơi cứng, bên trong lõi màu vàng nhạt, mùi thơm dịu, vị hơi ngọt... Có loại sâm năm và loại sâm ba. Sâm năm là loại có 5 lá, sâm ba là loại chỉ có 3 lá.
Dù quý là vậy song một thời gian dài trước đây, những tưởng loài sâm quý này đã bị tuyệt chủng. Từ năm 2007, sâm Nam được Sách Đỏ Việt Nam xếp ở mức độ sắp nguy cấp, cần được bảo tồn, phát triển. Khoảng chục năm gần đây, các nhà khoa học và một số người dân địa phương tâm huyết tìm cách bảo tồn, nhân rộng loài thảo dược quý này. Đáng nói hơn, một cuộc nghiên cứu nghiêm túc về điều kiện sinh trưởng, phát triển, thành phần, cũng như công dụng của sâm Nam đã được các nhà khoa học quan tâm thực hiện và công bố đầy đủ.
Hồi sinh loài sâm quý
Năm 2018, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp công nghệ cao (CNC - Viện Di truyền Nông nghiệp) đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Đây là đề tài khoa học thực hiện trong 3 năm (2015 -2018) với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp CNC (đơn vị chủ trì) và Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam).
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các chuyên gia xác định, sâm Nam núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung- nơi có thành phần thổ nhưỡng đặc biệt (đá cám, Canxi và Magiê). Nhóm chất chính trong mẫu sâm là saponin (hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm), flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin... Mẫu sâm hơn 5 tuổi có hàm lượng lớn hơn đáng kể so với mẫu 2, 3, 4 tuổi. Đặc biệt, hàm lượng chất saponin tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh.
Các nghiên cứu đã bước đầu định danh, phân loại, xác định một số dược chất và đề xuất phương án bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành. Ông Hà Văn Thiêm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản Bắc Giang cho biết: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hàm lượng dược chất của sâm Nam núi Dành được đánh giá ngang bằng với sâm Hàn Quốc và bằng 1/3 sâm Ngọc Linh.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Khắc Lư ở thôn Hậu, xã Liên Chung- một hộ dân đã tìm và giữ được giống sâm Nam nhiều năm nay, ông Lư kể: Hơn hai chục năm trước, gia đình ông nhận đất trồng rừng ở chân núi Dành. Trong một lần cuốc đất thấy bật lên những củ nhỏ, mùi thơm, nếm thử thấy ngọt mát. Vốn gia đình có nghề làm thuốc Đông y nên ông Lư biết mình gặp may khi tìm thấy gốc sâm Nam, ông giữ gìn gien quý từ đó cho tới bây giờ. Từ gốc sâm ban đầu ấy, ông Lư đã nhân ra và hướng dẫn một số hộ dân khác trồng để giữ giống.
Sâm Nam núi Dành được trồng trên diện rộng
Ngoài ra, 4 năm trước, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, hộ ông Thân Hải Đăng, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập cũng được chọn làm điểm để nghiên cứu, đánh giá khoa học về giá trị sâm Nam núi Dành. Ông Đăng cho biết, trước kia, gia đình trồng vài cây sâm ở góc vườn, cũng không biết giá trị ra sao. “Hễ thân có cành chồi ra mặt đất, tôi lại cuốc xới trồng sang chỗ khác, cây phát triển chậm, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Sau khi được các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, chăm sóc, tỷ lệ sống đạt 90%, cây phát triển nhanh”, ông Đăng chia sẻ.
Được sự hỗ trợ của các chuyên gia nghiên cứu dược liệu, hiện nay, người dân tại 2 xã Việt Lập và Liên Chung đã phát triển diện tích sâm Nam lên gần 300 ha để cung cấp cho các công ty dược phẩm và du khách. Địa phương đã thành lập HTX Sản xuất, tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung gồm 17 thành viên. HTX đã mở rộng diện tích cây sâm Nam, nhân hàng chục nghìn bầu giống, cùng đó xây dựng gian hàng trưng bày sản phẩm sâm Nam tại Khu du lịch tâm linh sinh thái núi Dành.
Hiện nay, trên thị trường, 1 kg sâm Nam núi Dành tươi được bán với giá khoảng 2 triệu đồng. Sâm Nam được người dân sử dụng để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ.
Củ sâm Nam núi Dành được sử dụng để ngâm rượu
Việc cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sâm Nam núi Dành mới đây sẽ góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của sản phẩm trên thị trường; tạo tiền đề và khuyến khích người dân tham gia thành lập các nhóm, đội và hiệp hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm, tạo nguồn lợi kinh tế cao cho người dân. Trong tương lai, cần nhiều hơn những giải pháp cũng như chính sách hỗ trợ để bảo tồn, phát triển loài sâm quý này.