Từ ngày 11-13/11/2010, tại Lạng Sơn, Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị toàn quốc về quản lý sở hữu trí tuệ (SHTT). Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Hùng; Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn Lường Đăng Ninh cùng đại diện lãnh đạo Sở KH&CN 56 tỉnh thành trong toàn quốc.
Đây là Hội nghị thường niên nhằm tổng kết, đánh giá một năm triển khai hoạt động SHTT trên phạm vi cả nước, trên cơ sở đó nhằm định hướng kế hoạch hoạt động SHTT của những năm tiếp theo.
Theo báo cáo tổng quan về hoạt động quản lý nhà nước về Sở hữu công nghiệp năm 2010, công tác xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các địa phương vẫn chủ yếu tập trung vào các đối tượng nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, vốn là các đối tượng dễ tiếp cận hơn, đồng thời cũng nằm trong chương trình chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hàng năm của các cơ quan thực thi.
Cũng theo báo cáo này, tính tổng số trên cả nước, về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã có 1632 vụ bị xử lý với tổng số tiền phạt gần 5 tỷ đồng. Số vụ xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp tăng so với năm 2009 với 215 vụ nhưng số tiền phạt lại giảm xuống gần 400 triệu đồng. Các vụ việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh giảm so với cùng kì năm ngoái với tổng số tiền phạt gần 70 triệu đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, Hội nghị năm nay cần tập trung làm rõ những kết quả đã đạt được và những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ không chỉ của năm 2010 mà của cả giai đoạn 2006-2010. Qua đó, nhằm tiếp tục đưa hoạt động quả lý SHTT đạt được nhiều kết quả trong giai đoạn mới. Thứ trưởng cũng đề nghị, Hội nghị cần tập trung thảo luận, bàn bạc và thống nhất được hướng giải quyết những vướng mắc trong việc xác lập quyền, nhất là đối với những đối tượng sở hữu công nghiệp gắn liền với việc phát triển đặc sản địa phương; những vướng mắc trong quản lý và cả trong thực thi quyền SHTT.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận vào 3 chuyên đề chính gồm: tăng cường công tác quản lý nhà nước về SHTT ở trung ương và địa phương; Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ; Bảo hộ, quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN