Hội nghị Sáng tạo và Biến đổi khí hậu do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức đã diễn ra trong hai ngày 11 và 12 / 7 tại Giơnevơ, Thụy Sỹ.
Tham dự hội nghị có gần 200 đại biểu của cả các nước phát triển và các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam), bao gồm các nhà lãnh đạo và các chuyên gia từ nhiều tổ chức quốc tế như Công ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Hội đồng Doanh nghiệp thế giới cho phát triển bền vững (WBSCD), Ngân hàng thế giới…, các Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, giới học giả, các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp hàng đầu, và cộng đồng.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng giám đốc WIPO Francis Gurry nhấn mạnh sở hữu trí tuệ chính là một cơ chế để khuyến khích sáng tạo và tạo ra khuôn khổ nhằm đạt đến các giải pháp giúp chúng ta vượt qua được những thách thức về biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc ở Cancun, Mexico 2010, các nước đã nhất trí với việc tạo ra Cơ chế công nghệ mới để tăng cường chuyển giao công nghệ thân thiện với khí hậu cho các nước đang phát triển, nhất trí thành lập Quỹ khí hậu xanh nhằm quyên góp 100 tỷ USD từ nay tới năm 2020 để bảo vệ các nước nghèo chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hỗ trợ phát triển với mức thải các-bon thấp. Tuy nhiên, Hội nghị Cancun chưa đạt được quan điểm chung về vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển giao công nghệ.
Hội nghị Sáng tạo và Biến đổi khí hậu đã bàn về ba chủ đề chính: Các mô hình sáng tạo và quan hệ đối tác; Kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới về chuyển giao công nghệ; Tạo thuận lợi về tài chính cho việc đẩy nhanh công cuộc phổ biến công nghệ. Mục tiêu là xác định các công cụ, đề xuất các chiến lược và phát triển các giải pháp toàn cầu để thúc đẩy sáng tạo cũng như chuyển giao công nghệ đối phó với vấn đề cấp bách trên toàn cầu là biến đổi khí hậu.
Một trong những vấn đề nổi bật nhất được nêu tại Hội nghị là làm thế nào để kích hoạt một cơ chế thúc đẩy sáng tạo trong biến đổi khí hậu và phát huy vai trò của quyền sở hữu trí tuệ trong cơ chế ấy.
Các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ trong việc nuôi dưỡng một môi trường thuận lợi, an toàn cho các nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào các công nghệ tiên tiến, cho phép các doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro, đồng thời ngăn chặn việc nâng cao giá cả tạo rào cản đối với các nước đang phát triển. Quyền sở trí tuệ cần được phát triển cân bằng và đạt được mục tiêu khuyến khích sáng tạo lẫn thúc đẩy phổ biến công nghệ.
Vai trò của việc cung cấp tài chính đối với việc giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến các công nghệ về biến đổi khí hậu cũng được thảo luận tại Hội nghị. Các diễn giả từ cả khu vực tư nhân và nhà nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các khoản đầu tư tài chính của khu vực tư nhân cho công cuộc phổ biến công nghệ xanh do các chính phủ không thể chi trả toàn bộ cho các công nghệ về biến đổi khí hậu.
Một số diễn giả từ các nước công nghiệp đã chỉ ra những lợi ích có thể đạt được khi WIPO đóng một vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề chung của sở hữu trí tuệ và biến đổi khí hậu và nhấn mạnh rằng WIPO cần phải tham gia nhiều hơn vào các cuộc đàm phán của UNFCCC.
Kết thúc Hội nghị, ông Johannes Christian Wichard, Phó Tổng giám đốc WIPO, phụ trách các vấn đề toàn cầu đã nhấn mạnh rằng. Hội nghị này là một dấu hiệu của tình đoàn kết với quá trình đàm phán về khí hậu của UNFCCC, và WIPO sẽ sẵn sàng tham gia rộng hơn vào lĩnh vực này nếu đóng góp của mình hữu ích. /.
Lê Duy Thiện (Cục SHTT)