Nhằm triển khai ngày càng sâu rộng các cam kết đa, song phương về sở hữu trí tuệ (SHTT), hoạt động SHTT của Việt Nam năm 2011 đã đạt được nhiều thành công và có những chuyển biến tích cực
Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh cho biết như trên nhân dịp diễn ra “Hội nghị toàn quốc về SHTT”, tại TP.HCM vào ngày 9/11. Hội nghị do Cục SHTT phối hợp với sở Khoa học và Công nghệ TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Nhiều hoạt động được đẩy mạnh
Theo cục trưởng Tạ Quang Minh, trong năm 2011, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT tiếp tục được thực hiện, thông qua việc xây dựng và ban hành 3 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT sửa đổi năm 2009 (Nghị định số 122/2010/NĐ-CP; Nghi định số 119/2010/NĐ-CP; Nghị định số 97/2010/NĐ-CP) và các văn bản khác (Chỉ thị của Thủ tướng chính phủ số 845/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN)).
Ngoài ra, VN còn tích cực tham gia vào hoạt động đàm phán các vấn đề liên quan đến STTT trong khuôn khổ các hiệp định hợp tác với các nước (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định khung về Hợp tác toàn diện Việt Nam – EU; Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU; Hiệp định hợp tác với Liên bang Nga, Chi lê).
Song song với các hoạt động liên quan đến lĩnh vực SHTT, hoạt động quản lý đại diện SHCN cũng tiếp tục được đẩy mạnh quan tâm trong chiến lược tăng cường xã hội hóa, đảm bảo lợi ích hợp pháp cho các tổ chức đại diện trong nước.
Công tác minh bạch hóa quản lý đại diện SHCN cũng được tăng cường thông qua việc Cục SHTT công khai danh sách các cá nhân và tổ chức đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ đại diện SHCN trên trang web của Cục, giúp cho tất cả các tổ chức và cá nhân có nhu cầu có thể xác thực cũng như tìm kiếm một cách nhanh nhất các đại diện SHCN phù hợp theo địa bàn kinh doanh của mình.
Đặc biệt, năm 2010 Cục SHTT đã chính thức đưa “Chương trình đào tạo từ xa về SHTT” (hợp tác với Tổ chức SHTT thế giới) vào hoạt động. Hình thức đào tạo mới này đã thu hút được sự chú ý của công chúng. Trong năm vừa qua, đã có 2 khóa được tổ chức với sự tham gia của hơn 500 học viên.
Toàn cảnh Hội nghị
Ngoài các hoạt động tư vấn thường xuyên qua hình thức trực tiếp hoặc công văn trả lời, hoạt động nổi bật trong năm nay của công tác hỗ trợ tư vấn là Cục SHTT đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục cần thiết thành lập Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.Trung tâm này sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp KHCN cũng như các trường đại học đặt tại đây, tạo nên cầu nối giữa khối nghiên cứu và khối doanh nghiệp, giúp đưa những thành quả sáng tạo có khả năng thương mại hóa cao có thể dễ dàng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu của thị trường, Cục trưởng cho biết.
Tăng cường tại địa phương
Nhờ triển khai Chương trình hỗ trợ và phát triển TSTT (Chương trình 68), các DN được hỗ trợ nâng cao nhận thức về SHTT, được hỗ trợ trong việc xây dựng, khai thác và phát triển TSTT.
Với phạm vi hỗ trợ rộng hơn, tính đến tháng 7/2011, đã có 42/63 tỉnh/thành phố có dự án tham gia trong khuôn khổ Chương trình 68 với tổng số 87 dự án đã và đang được triển khai, trong đó điển hình có Bắc Giang (5 dự án), Lạng Sơn (4 dự án) và Phú Thọ (4 dự án). Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã tích cực xây dựng Chương trình 68 riêng của địa phương mình (21/63 tỉnh/thành phố), trong đó các địa phương điển hình có các chương trình hoạt động hiệu quả có thể kể đến là An Giang, Cần Thơ, Nam Định và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thêm vào đó, hoạt động thúc đẩy phong trào sáng kiến, sáng tạo của các tỉnh/thành phố đã có những bước chuyển biến tích cực, được triển khai ở hầu khắp các địa phương.
Hiện, Cục SHTT cũng đang có kế hoạch phối hợp với các địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi và giúp các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp
Cũng theo cục trưởng Tạ Quang Minh, trong năm vừa qua, câu chuyện về việc một số địa danh được bảo hộ SHTT của Việt Nam bị doanh nghiệp (DN) nước ngoài đăng kí bảo hộ ở nước họ khiến dư luận đặc biệt quan tâm.Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên, việc một số sản phẩm đặc sản của Việt Nam (cà phê Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc…) bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ ở nước họ.
Theo cục trưởng Tạ Quang Minh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức của một số DN Việt Nam còn hạn chế đối với vấn đề đầu tư cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu của mình ở thị trường nước ngoài.
“Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm không chỉ đơn thuần là đăng ký bảo hộ SHTT mà còn nhiều hoạt động khác, từ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng kênh phân phối, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm đối với người tiêu dùng… Tất cả những hoạt động này đòi hỏi đầu tư không chỉ kinh phí mà còn cả nhân lực và thời gian”, Cục trưởng nhận định.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, những năm gần đây, Cục SHTT đã chú trọng các hoạt động hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, lập các văn phòng đại diện trực tiếp hướng dẫn DN làm các thủ tục xác lập, bảo vệ, thực thi quyền SHTT.
Mai Mai