Để giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, xây dựng văn minh thương mại, những năm gần đây, các ngành chức năng của tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Ngành NN và PTNT đã phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng, thực hiện Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, công bố chất lượng và mẫu mã sản phẩm hàng hoá. Qua đó, đã góp phần nâng cao số hộ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp áp dụng các quy trình, quy chuẩn của nhà nước về thực hành sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản và muối tốt như: GAP, GMS, SSOP, đồng thời, tạo cơ sở để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vì mục tiêu phát triển bền vững.
Năm 2012, ngành NN và PTNT đã xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cho 40 cơ sở, bao gồm 21 cơ sở sản xuất giống thuỷ sản mặn lợ; 8 cơ sở sản xuất nước mắm và sản phẩm dạng mắm; 8 cơ sở chế biến sứa ướp muối, sứa ăn liền; 1 cơ sở sản xuất chả cá; 1 cơ sở sản xuất ngao thương phẩm; 1 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hợp chuẩn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền luôn quan tâm, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; tăng cường đầu tư thiết bị kỹ thuật công nghệ hiện đại kết hợp công nghệ truyền thống tạo ra sản phẩm có chất lượng cao; chú trọng phát triển doanh nghiệp đầu mối, có sản phẩm tiêu biểu để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Đến nay, nhiều sản phẩm của các huyện, thành phố đã tạo dựng được uy tín, vị thế trên thị trường như: máy tuốt lúa, máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo, máy trộn bê tông, máy đùn gạch, các loại máy chế biến gỗ... của các làng nghề cơ khí Xuân Tiến, Xuân Kiên (Xuân Trường). Tại huyện Ý Yên có các sản phẩm đúc đồng Tống Xá, gỗ mỹ nghệ La Xuyên, tre nứa ghép Yên Tiến. Tại huyện Vụ Bản có sản phẩm rèn Quang Trung. Tại huyện Nam Trực có sản phẩm đúc đồng Đồng Quỹ, cơ khí Vân Chàng, Đồng Côi, dệt Nam Hồng, đồ chơi trung thu, hoa nhựa Báo Đáp…
Nhiều sản phẩm đã được doanh nghiệp, làng nghề đăng ký nhãn hiệu độc quyền, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý… nhằm hạn chế nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh từ các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Tiêu biểu như sản phẩm: bánh nhãn Hải Hậu, nước mắm Sa Châu, sản phẩm máy tuốt lúa của Cty TNHH Thanh Giang, sản phẩm máy bóc lạc của Cty TNHH Toản Chung, các sản phẩm cơ khí của Hiệp hội cơ khí đúc Ý Yên… Các doanh nghiệp đã chủ động khai thác thế mạnh của đơn vị, địa phương, lựa chọn phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh. Tại huyện Ý Yên, các doanh nghiệp cùng ngành cơ khí đúc đã thành lập hiệp hội và xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm cơ khí đúc với 45 doanh nghiệp thành viên trong hiệp hội. Các thành viên luôn nỗ lực áp dụng thống nhất một quy chuẩn về chất lượng và nghiêm túc bảo đảm tiêu chuẩn trong tất cả các khâu sản xuất.
Chính nhờ nhãn hiệu tập thể này, đã giúp các doanh nghiệp cơ khí của huyện nhận được nhiều đơn hàng lớn. Ngành Công thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các vụ vi phạm quy định về thương hiệu, nhãn hiệu hàng hoá để bảo vệ các doanh nghiệp, sản phẩm đã xây dựng, đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, không bị làm giả, làm nhái.
Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu. Theo Sở KH và CN, có hai phần ba số doanh nghiệp đang hoạt động vẫn thờ ơ với việc xây dựng thương hiệu. Tình trạng này tác động tiêu cực đến hoạt động, hiệu quả sản xuất của chính doanh nghiệp. Chẳng hạn do thiếu quan tâm đăng ký thương hiệu cho sản phẩm nước mắm truyền thống của người dân Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thuỷ) nên nhãn hiệu nước mắm Sa Châu bị nơi khác đăng ký. Sau đó với sự giúp đỡ của Sở KH và CN, UBND huyện Giao Thuỷ, HTX sản xuất nấm và chế biến nông hải sản Giao Thuỷ đã triển khai thực hiện dự án: “Hỗ trợ tạo lập và xây dựng hệ thống công cụ, phương tiện để quản lý nhãn hiệu tập thể nước mắm Giao Châu cho sản phẩm nước mắm của xã Giao Châu, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định”. Thông qua nhãn hiệu tập thể “nước mắm Giao Châu”, người dân làng nghề Sa Châu mới tiếp tục đầu tư công sức, vốn để bảo tồn và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, thời gian tới, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các làng nghề nâng cao nhận thức về những giá trị kinh tế, lợi ích thương mại của việc xây dựng thương hiệu. Tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 760/QĐ-UBND ngày 19-5-2011 của UBND tỉnh, trong đó Sở KH và CN sẽ tập trung thực hiện dự án “Hỗ trợ xác lập, khai thác, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tại tỉnh Nam Định”.
Theo đó, đến năm 2015, dự án sẽ hỗ trợ thiết kế và đăng ký bảo hộ 100 nhãn hiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp. Dự án sẽ ưu tiên cho sản phẩm thuộc lĩnh vực dệt may, cơ khí và gia công cơ khí, điện - điện tử - viễn thông, nông nghiệp và chế biến nông sản thực phẩm, thủy hải sản, dược phẩm, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, lĩnh vực công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Hỗ trợ thiết kế và đăng ký bảo hộ 10 kiểu dáng công nghiệp cho các tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh; ưu tiên các sản phẩm thuộc ngành nghề: dược phẩm, đồ gỗ, hàng tiêu dùng. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển 2 nhãn hiệu tập thể, 1 nhãn hiệu chứng nhận đối với đặc sản của địa phương, ưu tiên sản phẩm của làng nghề truyền thống và chủ lực của địa phương. Hỗ trợ quản lý, khai thác và phát triển 1 nhãn hiệu tập thể đối với đặc sản của địa phương đã được cấp văn bằng bảo hộ. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ 2 sản phẩm sáng tạo khoa học - công nghệ, các kết quả nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ các hội thi tại địa phương. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ 5 phần mềm máy tính sản xuất tại địa phương. Hỗ trợ 15 tổ chức, doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và hỗ trợ quảng bá, giới thiệu 5 sản phẩm dịch vụ có tiềm năng tại địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường nội địa./.