Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 (Chương trình 68 giai đoạn 3) đã hỗ trợ bảo hộ, khai thác sáng chế, đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng nguồn tri thức, tài sản trí tuệ (TSTT) cho xã hội, đồng thời, đã minh chứng cho xu hướng của các nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam hiện nay là hoạt động nghiên cứu đã dần tiếp cận, giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, có tính ứng dụng cao.
Phát triển TSTT cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương
Theo đại diện của Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn của Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, đã có 195 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ (trong đó, Chương trình ở Trung ương hỗ trợ 19 sản phẩm và các địa phương hỗ trợ 176 sản phẩm)Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ SHTT, người tiêu dùng đã biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, giá trị sản phẩm gia tăng đáng kể: Ví dụ sản phẩm Cam Cao Phong Hòa Bình, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Lục Ngạn, cam Hà Giang, bưởi 5 roi Bình Minh …
Hỗ trợ bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như Chè Thái Nguyên (bảo hộ tại Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan), vải thiều Lục Ngạn-Bắc Giang (bảo hộ tại Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia), thanh long Bình Thuận và Cà phê Buôn Ma Thuột (đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật bản): Chủ trương đúng đắn và hoạt động thiết thực này đã tạo thuận lợi, mở đường cho việc tiếp cận các thị trường nước ngoài, góp phần khẳng định uy tín, giá trị thương hiệu của các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Một số ví dụ về hiệu quả của việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm chủ lực của địa phương như: Sản phẩm Mật ong bạc Hà của cao nguyên núi đá Đồng Văn - Hà Giang: Sau khi bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm đã tăng từ 250.000đ/lít lên tới 450.000đồng/lít hiện nay; Nước mắm Phú Quốc tăng từ 30-50%, Bưởi Phúc Trạch tăng 30-35%, Cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục quán triệt, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh các giải pháp phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Bộ KH&CN sẽ ưu tiên, tập trung hỗ trợ hoạt động soát nguồn gốc, chất lượng, phát triển sản phẩm chủ lực địa phương được bảo hộ quyền SHTT theo chuỗi giá trị, tăng cường hỗ trợ bảo hộ TSTT của Việt Nam tại các thị trường lớn trên thế giới.
Quản trị TSTT và tăng cường thực thi quyền SHTT
Chương trình ở Trung ương đã hỗ trợ cho Tập đoàn Dệt may, Hiệp hội Da giầy, Tập đoàn DABACO và nhiều doanh nghiệp triển khai hoat động nâng cao nhận thức, đào tạo, tiến hành các biện pháp quản trị TSTT và tăng cường năng lực, hiệu quả thực thi quyền SHTT cho các đơn vị này; Các địa phương đã hỗ trợ cho gần 600 lượt doanh nghiệp, một số địa phương triển khai rất hiệu quả các hoạt động này như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đà Nẵng, Vĩnh Long và Hà Tĩnh.
Việc các Tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp tích cực và chủ động triển khai công tác bảo hộ, quản trị TSTT thời gian gần đây cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng và nội tại nền kinh tế Việt Nam nói chung đang có sự biến chuyển tích cực, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển dịch về mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên KH&CN và TSTT. Việc Chương trình tập trung hỗ trợ cho khối doanh nghiệp cũng khẳng định quan điểm của Bộ KH&CN, Cục SHTT và các Bộ, ngành, địa phương lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, động lực phát triển.
Hỗ trợ bảo hộ, áp dụng sáng chế
Định kỳ hàng năm, Chương trình phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp KH&CN và các Sở KH&CN để hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế cho các kết quả nghiên cứu, thành quả sáng tạo. Tổng số có 51 giải pháp kỹ thuật được hỗ trợ bảo hộ, quản lý và khai thác trong khuôn khổ Chương trình. Thông qua hoạt động hỗ trợ bảo hộ, khai thác sáng chế, đã thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng nguồn tri thức, TSTT cho xã hội, đồng thời, đã minh chứng cho xu hướng của các nhà khoa học, nhà sáng chế Việt Nam hiện nay là hoạt động nghiên cứu đã dần tiếp cận, giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, có tính ứng dụng cao. Một số ví dụ điển hình như:
Dự án “Áp dụng sáng chế số 7430 để xây dựng hệ thống xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp rác thải quy mô cấp huyện” do Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐHBK Hà Nội (chủ sở hữu sáng chế) chủ trì thực hiện.
Dự án được triển khai thực tiễn để xử lý rác thải tại bãi chôn lấp rác thải huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, đơn vị phối hợp là Công ty cổ phần môi trường đô thị và công nghiệp 11 (URENCO 11) cung cấp mặt bằng triển khai, đóng góp toàn bộ vốn đối ứng cho dự án, phối hợp triển khai dự án ngoài hiện trường, đồng thời, là đơn vị tiếp nhận và ứng dụng sáng chế.
Dự án “Áp dụng giải pháp hữu ích số 935 quy trình sản xuất sản phẩm giàu axit béo omega-3 để tạo thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung EPA, DHA chất lượng cao” do Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (chủ sở hữu giải pháp hữu ích) chủ trì thực hiện.
Kết quả dự án là áp dụng giải pháp hữu ích để sản xuất thành công viên nang mềm omega-3, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 43/2014/TT-BYT. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Nature Việt Nam (doanh nghiệp hoạt động sản xuất và phát triển các sản phẩm dầu omega-3 để cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược) là đơn vị tiếp nhận chuyển giao giải pháp hữu ích, bố trí kinh phí đối ứng và phân phối sản phẩm.
Dự án “Áp dụng sáng chế số 14431 để sản xuất vật liệu và thiết bị xử lý nước uống an toàn sinh học” do Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam (chủ sở hữu sáng chế) chủ trì thực hiện.
Kết quả dự án là sản xuất thành công 03 sản phẩm xử lý nước uống an toàn sinh học theo sáng chế, bao gồm Bộ khử trùng nước uống cho dân vùng lũ LL10: Công suất 10 lít/ngày, chất lượng nước sau lọc đạt yêu cầu theo QCVN 01:2009/BYT; bộ thiết bị lọc nước gia đình GD100: Công suất 100 lít/ngày, chất lượng nước sau lọc đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT và cột khử trùng nước CN2000: Công suất 2000 lít/ngày, chất lượng nước đầu ra đạt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống QCVN 01:2009/BYT.
Công ty cổ phần thương mại gốm sứ Bát Tràng bố trí nhà xưởng và tham gia sản xuất sản phẩm, giới thiệu và phân phối sản phẩm sau khi dự án kết thúc.
PV