Giống hoa về từ vũ trụ 1. Ảnh: G.B
Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu giống hoa tại Việt Nam, PGS-TS Dương Tấn Nhựt, Phó viện trưởng Viện Sinh học Tây nguyên (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), cho biết: “Cuối năm 2010, viện đã chọn 3 loại hạt giống hoa, mỗi loại 100 gr của Việt Nam gồm: phụng tiên (tên khoa học là Impatiens balsamia L,Balsaminaceae), mõm sói (Antirrhinum majus L,Scrophulariaceae), xác pháo (Salvia splendens Ker.-Gawl, Laminaceae) gửi ra Hà Nội để chuyển sang Nhật Bản và tháng 1.2011, được đưa lên vũ trụ, sau đó những hạt giống này được chuyển về trồng nghiên cứu tại viện từ tháng 11.2011”.
Hạt giống được đưa lên Trạm không gian quốc tế ISS và được đặt trong điều kiện môi trường vũ trụ trong 180 ngày. “Đây là 3 loại giống hoa ngắn ngày, được chọn lựa kỹ càng và gửi sang Nhật Bản để xử lý trước khi đưa lên vũ trụ nhằm chịu sự tác động của môi trường này như tia bức xạ, trạng thái không trọng lượng, nhiệt độ và các điều kiện khác. Sau đó những hạt giống này được đưa trở về trái đất trồng để nghiên cứu đột biến gien, độ nảy mầm, đậu hạt và những thay đổi về trạng thái sinh lý bình thường khác...”, ông Nhựt nói.
Cuối tháng 11.2011, Viện Sinh học Tây nguyên đã tiến hành trồng thử nghiệm 3 loại hạt giống này (có trồng đối chứng với 3 loại hạt giống lưu giữ tại Viện). Sau khi trồng, hạt giống hoa phụng tiên và mõm sói (ảnh) đã nảy mầm, sinh trưởng phát triển tốt, riêng hạt giống hoa xác pháo không nảy mầm. PGS-TS Nhựt cho hay: “Qua theo dõi, trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển và lụi tàn của 2 giống hoa này vẫn chưa thấy điều gì bất thường so với cây đối chứng, hình thái cây vẫn chưa có sự khác biệt rõ ràng. Với hoa phụng tiên thì 2 tháng rưỡi ra hoa, hoa mõm sói thì khoảng 3 tháng rưỡi nở rộ, còn lại hoa xác pháo phải chờ xem thời gian nữa có nảy mầm hay không.
Cũng theo PGS-TS Dương Tấn Nhựt, việc đưa giống cây trồng vào vũ trụ rất có ý nghĩa trong việc chọn tạo giống trong tương lai.