Sở hữu trí tuệ là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Chính vì vậy, các giải pháp thiết thực hỗ trợ thúc đẩy đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam tại nước ngoài cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Ngày 22-23/9/2022 Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tổ chức Hội thảo “Những giải pháp thúc đẩy bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý” tại thành phố Sơn La.
Đây là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương triển khai Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 06/5/2021 Phiên họp thường kỳ tháng 4/2021 của Chính phủ về hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài.
Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo một diễn đàn trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các chuyên gia, cán bộ quản lý, tổ chức tập thể và doanh nghiệp liên quan đến những quy định pháp luật và thực tiễn thẩm định nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam tại một số thị trường trọng điểm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Từ đó đưa ra đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài.
Hội thảo có sự tham dự của các lãnh đạo, chuyên gia Cục SHTT, Sở KH&CN Sơn la, Cơ quan SHTT Trung Quốc (CNIPA), Cục Xúc tiến thương mại- Bộ Công Thương, một số Sở KH&CN khu vực phía Bắc cùng hơn 100 đại biểu tham dự trực tiếp tại hội trường và 81 điểm cầu trực tuyến đến từ các Sở KH&CN, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề, các tổ chức đại diện SHCN khu vực phía Bắc và của tỉnh Sơn La.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho rằng, cùng với sự phục hồi chung của nền kinh tế thế giới, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam đang tạo ra những bước khởi sắc mới, đây là động lực cho doanh nghiệp và các chủ thể thúc đẩy mạnh mẽ hơn chiến lược sản xuất, kinh doanh thích ứng với điều kiện tình hình mới, trong đó có việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ nhằm xác lập, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước ngoài, phục vụ xuất khẩu hàng hoá. Trong bối cảnh đó, sở hữu trí tuệ ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, là nền tảng hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tự tin và vững chắc hơn khi tiến hành hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế. Chính vì vậy, các giải pháp thiết thực hỗ trợ thúc đẩy đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam tại nước ngoài cần được đặc biệt quan tâm, chú trọng.
Đặc biệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 với các nội dung hỗ trợ từ Chương trình có thể được thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ KH&CN hoặc trong khuôn khổ các hoạt động chung của Chương trình với kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương và nguồn kinh phí đối ứng từ phía địa phương, doanh nghiệp.
“ Việc nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam bảo hộ ở nước ngoài được coi như giấy thông hành tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm có mặt và khẳng định vị thế cạnh tranh ở những thị trường khó tính”, ông Đinh Hữu Phí cho biết thêm.
Giám đốc Sở KH&CN Sơn La Lưu Bình Khiêm cũng cho rằng, việc thúc đẩy bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam ở nước ngoài, qua đó góp phần khẳng định vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp của tỉnh Sơn La nói riêng trên thị trường quốc tế. Có thể nói, Sơn La đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc triển khai mạnh mẽ các chính sách, cơ chế hỗ trợ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cho nông sản chủ lực của địa phương.
Chia sẻ trực tuyến từ phía CNIPA, các chuyên gia Trung Quốc đã đưa ra những khuyến nghị hữu ích đối với chủ đơn Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc. Các chuyên gia cũng chỉ ra sự khác biệt về cơ chế bảo hộ, về quy định pháp luật giữa Việt Nam và Trung Quốc, từ đó hiểu và nắm bắt được những khó khăn, thách thức trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại Trung Quốc.
Chia sẻ về chủ trương, chính sách và thực tiễn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản chủ lực của tỉnh Sơn La ở nước ngoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN Sơn La - ông Phan Ngọc Bắc cho biết, UBND tỉnh Sơn La đã xác định tiếp tục thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển nông sản theo yêu cầu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, sản xuất gắn chặt chẽ với chế biến và tiêu thụ. Xuất khẩu được xác định là giải pháp đột phá thúc đẩy tiêu thụ nông sản quan trọng, tạo tác động tương hỗ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các thị trường. Năm 2021 vừa qua, 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là sản phẩm Xoài và Nhãn đã được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Sơn La” và “Nhãn Sơn La” tại Việt Nam, và đây cũng là 2 sản phẩm được lựa chọn để thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Trung Quốc.
Trong phần trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu với chuyên gia, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục SHTT một lần nữa khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở ngước ngoài nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp Việt Nam trong giao thương quốc tế. Điều này cần có sự chung tay của các cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn, các tổ chức tập thể và chính các doanh nghiệp. Ý kiến trao đổi tại Hội thảo cho thấy, các chủ thể Việt Nam hiện nay còn khá lúng túng, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, nộp và theo đuổi hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý tại nước ngoài, đặc biệt là các thị trường trọng điểm, do đó các diễn đàn cung cấp thông tin, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm là hết sức cần thiết.
Bài, ảnh: VP