Ngày 02/12/2022, tại Bình Dương đã diễn ra hội thảo “Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ”. Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest Vietnam năm 2022.
Đầu tư nghiên cứu, ĐMST phục vụ sản xuất
Hội thảo “Giải pháp tạo động lực sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ; Sở KH&CN tỉnh Bình Dương, Hiệp Hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam và Hội Sáng chế Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tham dự Hội thảo, về phía các cơ quan ban ngành có: TS Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ KH&CN; PGS. TS Lê Bộ Lĩnh - Chủ tịch Hội đồng Cố vấn, Hiệp hội DNKH&CN Việt Nam, nguyên Phó Tổng thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN; Ông Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở KH&CN Bình Dương…Về phía Làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cùng Hiệp hội NKH&CN Việt Nam có: Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP KHCN Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DNKH&CN Việt Nam, Trưởng làng Làng sáng chế và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo… Cùng đại diện Sở, ban, ngành các tỉnh thành, cơ quan báo, đài trung ương và địa phương và gần 100 doanh nghiệp trong cả nước.
Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp tăng cường kiến thức và phát triển đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo phục vụ sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đồng thời tạo sự liên kết chuyển giao, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển bền vũng trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Nguyễn Việt Long - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Dương - cho biết: Sự kiện sẽ góp phần kết nối và chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển và thương mại hóa sáng chế, tài sản trí tuệ, cách thức mà KH,CN&ĐMST được ứng dụng để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời kết nối nguồn lực, thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp… góp phần đẩy mạnh công tác thương mại hóa sáng chế, tìm ra các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ khai thác thương mại sáng chế và phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Với định hướng phát triển thành phố thông minh, Mô hình Ba Nhà (triple helix) trên địa bàn tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là ngành khoa học và công nghệ, trong đó Nhà nước đóng vai trò kết nối các nguồn lực, thực hiện các quy định, chính sách để hỗ trợ nhà khoa học (viện/trường đại học) và doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, công nhận các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ đó, góp phần quan trọng trong viecj tạo ra các tài sản trí tuệ và hình thành các doanh nghiệp KHCN, đồng hành cùng Bộ KH&CN trong việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại địa phương.
TS Nguyễn Việt Long nhấn mạnh: Hiện tại, Bình Dương có một số doanh nghiệp KHCN đầu ngành, tiêu biểu như Công ty Minh Long, Vinamit, Thiên Dược. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp KHCN còn chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh nhưng đang càng ngày thể hiện mình trên con đường hội nhập, phát triển bền vững, các sản phẩm khoa học và công nghệ sản xuất ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều giải pháp để tạo động lực sáng chế
Trên nền tảng các quy định, chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với DN KHCN ngày càng cụ thể (Nghị định 13 năm 2019, Thông tư 10 năm 2021), tỉnh đang từng bước thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KHCN, hỗ trợ hoạt động sở hữu trí tuệ, gắn kết các doanh nghiệp KHCN địa phương với hệ sinh thái các doanh nghiệp KHCN trong nước, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển bền vững trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phùng Minh Hải - Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ cho rằng hoạt động thương mại hóa sáng chế đang ngày càng được Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm.
Điều đó được thể hiện qua các văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022, Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Chiến lược phát triển tài sản trí tuệ đến 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030...
“Qua các chương trình, hiệu quả sử dụng quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao và gia tăng đáng kể số lượng sản phẩm có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao: Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ; có ít nhất 1-2 giống cây trồng được khai thác quyền ở nước ngoài; phấn đấu đến năm 2030 doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên quyền tác giả, quyền liên quan đóng góp khoảng 7% GDP, phát triển một số ngành công nghiệp có mức độ sử dụng tài sản trí tuệ cao”, ông Hải cho biết.
Các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thu và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh (trong đó một vài doanh nghiệp có năng suất lao động tăng gấp 5,4 lần).
Ông Lý Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Minh Long I) đã trình bày tham luận với chủ đề “Tiên phong chất lượng và thành tựu khoa học công nghệ trong doanh nghiệp” từ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp với nhiều sáng chế, cải tiến kỹ thuật, đổi mới sáng tạo và ứng dụng KH&CN trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Qua đó, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đáng chú ý, Hội Sáng chế Việt Nam có tham luận đánh giá về hoạt động chuyển giao công nghệ của các nhà sáng chế Việt Nam trong nước và quốc tế. Còn đại diện đến từ Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác công nghệ cũng thông tin về các quy định, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ khai thác thương mại sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, đại diện các cơ quan và doanh nghiệp cũng cùng thảo luận mở xoay quanh vấn đề bàn về giải pháp tạo động lực khai thác thương mại hóa sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; giải pháp kết nối nguồn lực thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ...
Hội thảo cũng tạo sự liên kết chuyển giao, đổi mới công nghệ, tạo ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển bền vững trên bước đường hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại sự kiện, các chuyên gia, doanh nghiệp và khách mời được trao đổi, thảo luận về những vấn đề “nóng” của đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hiện nay như: Đổi mới sáng tạo - đầu tư phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp; Giải pháp kết nối nguồn lực thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; Chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp khoa học công nghệ... đến từ các chuyên gia, doanh nghiệp khoa học và công nghệ hàng đầu như: Savipharm, Sao Thái Dương, Công ty Gốm sứ Minh Long, Tiến Nông, Saigon Innovation Hub, Trung tâm Đổi mới sáng tạo - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, Hội Sáng chế Việt Nam có tham luận đánh giá về hoạt động chuyển giao công nghệ của các nhà sáng chế Việt Nam trong nước và quốc tế. Đại diện Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ sẽ trao đổi về các quy định, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ khai thác thương mại sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ. Đại diện các cơ quan và doanh nghiệp cũng cùng thảo luận mở xoay quanh vấn đề bàn về giải pháp tạo động lực khai thác thương mại hóa sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ.
“Thông qua hội thảo và triển lãm, cộng đồng doanh nghiệp và nhà quản lý, nhà khoa học sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc, định hướng phát triển cho tương lại, tạo ra những sáng kiến mới và phát triển đầu tư mạnh mẽ hơn, hoạt động khoa học - công nghệ ngày càng vững mạnh. Qua đó góp phần đẩy mạnh công tác thương mại hóa sáng chế, tìm ra các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ khai thác thương mại sáng chế và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ”, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp KH&CN Việt Nam Hoàng Đức Thảo nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, BTC cũng trao giải cuộc thi “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh năm 2022” cho các đơn vị đoạt giải.
Bài, ảnh: Nhóm phóng viên