Hơn chục năm công tác trên vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), anh Nguyễn Xuân Tình thấu hiểu nỗi vất vả cũng như áp lực tiêu thụ quả vải của nông dân. Sau nhiều tháng trời miệt mài nghiên cứu, anh đã sáng chế thành công chiếc máy sàng phân loại vải.
Nguyễn Xuân Tình hiện là Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tân Sơn (Lục Ngạn). Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Giang, anh được phân về công tác ở huyện Lục Ngạn. Lập nghiệp trên vùng đất vải thiều, ngoài việc phấn đấu cho sự nghiệp trồng người, Tình còn luôn trăn trở với nông dân trong việc tìm đầu ra cho quả vải. Vì thế tranh thủ những ngày hè rảnh rỗi, anh đã tham gia thu mua vải thiều sấy khô. Cũng nhờ trực tiếp tham gia công đoạn này mà anh nhận ra tỷ lệ quả vải bị giập vỡ khá lớn (thường 50kg vải sấy bị giập vỡ mất 1kg), chất lượng vải sấy không đồng đều và khi sấy xong, chủ lò phải thuê nhiều lao động phân loại quả mới tiêu thụ được.
Để khắc phục những hạn chế trên, từ vụ thu hoạch vải năm 2004, Tình bắt tay vào nghiên cứu sáng chế máy phân loại quả vải. Ý tưởng đã có, nhưng công việc chế tạo máy đối với một giáo viên không hề đơn giản. Qua nhiều đêm thức trắng nghiên cứu, rồi thuê thợ hàn về trực tiếp gia công từng công đoạn, có lúc tưởng như đã thất bại... cuối cùng máy phân loại quả vải cũng ra đời.
Máy gồm ba phần: khung máy; 3 chiếc sàng có kích cỡ khác nhau; phễu đổ vải thiều vào và hứng sản phẩm ra; hệ thống chuyển động gồm một động cơ điện 1,5kW gắn với trục chuyển động cứng có khớp nối mềm. Máy hoạt động dựa trên nguyên tắc rung và lắc (như người sàng sẩy). Theo đó, sản phẩm đưa vào phễu sẽ cho ra 4 loại sản phẩm: quả vải to tròn đều loại 1, quả loại 2 nhỏ hơn, thứ ba là quả nhỏ nhất, cuối cùng là phế phẩm gồm cuống quả vải, lá và những quả vỡ. Tình cho biết, cái khó để máy hoạt động hiệu quả là hệ thống sàng phải vừa rung vừa lắc, mắt sàng phù hợp với kích cỡ của quả vải ở địa phương và đặc biệt là những mối hàn khi máy hoạt động phải bền, đẹp.
Sản phẩm vải thiều đưa vào máy sàng phân loại là quả vải đã được sấy sơ bộ. Ba sản phẩm vải thiều được phân loại được hứng vào các bao lưới, sau đó tiếp tục đưa lên sấy khô hoàn toàn. Việc sử dụng bao lưới trong sấy vải thiều cũng là sáng chế quan trọng của Tình nhằm bảo đảm cho quá trình sấy nhanh, chất lượng cùi quả vải khô đồng đều, đỡ nhiều công đảo vải trên lò sấy cũng như công đóng sản phẩm vào bao bì, hạn chế tối ưu vải thiều bị cháy và giập vỡ ở công đoạn sấy khô hoàn toàn.
Ông Bùi Văn Tiệp, chủ lò sấy vải thiều có công suất 25 tấn vải thiều tươi/mẻ và là người đầu tiên đưa chiếc máy vào sử dụng cho biết: "Từ vụ vải năm 2005 đến nay, tôi đã sử dụng chiếc máy này cùng công nghệ sấy vải bằng bao lưới do anh Tình sáng chế. Công suất hoạt động của máy trong một giờ bằng cả 30 lao động thủ công nhặt vải trong một ngày. Mặt khác, chất lượng quả vải sấy đẹp và đồng đều, được khách hàng ưa chuộng và luôn bán được giá cao, tỷ lệ hao hụt thấp".
Từ khi lò sấy vải của ông Tiệp đưa chiếc máy này vào hoạt động hiệu quả, nhiều chủ lò sấy khác ở địa phương đã đến tìm hiểu và đặt hàng Tình sản xuất để áp dụng vào lò sấy của gia đình mình. Đến nay, anh đã sản xuất được hơn 30 chiếc máy sàng đa năng phân loại vải, góp phần giúp chủ lò sấy giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá thành sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao hơn. Mới đây, thầy Tình được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang cùng đại diện Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn đến nghiệm thu công trình sáng tạo khoa học và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.