Vải Lục Ngạn được chỉ dẫn địa lý
Chương trình 68, giai đoạn 2005- 2010 được phê duyệt và triển khai đã có những tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao nhận thức về Sở hữu trí tuệ (SHTT), góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh
Được “giá” nhờ bảo hộ sở hữu trí tuệ
Trường hợp thanh long Bình Thuận là một ví dụ điển hình, sau khi sản phẩm thanh long Bình Thuận được hỗ trợ đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý, diện tích thanh long toàn tình Bình Thuận năm 2009 đã tăng trên 11.700ha (gấp 2 lần so với năm 2005 và vượt mức quy hoạch phát triển thanh long đến năm 2010). Sản xuất và kinh doanh thanh long Bình Thuận đã thu hút trên 20.000 hộ dân, 228 cơ sở thu mua, trong đó 11 doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp, 4 cơ sở đóng gói được cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu thanh long qua Mỹ.
Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn sau khi được cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhiều nhà phân phối sản phẩm trong và ngoài nước đã đến khảo sát, tìm hiểu khả năng phối hợp với địa phương để đưa sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ ra thị trường. Ngày 30/5/2009, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (HAPRO) đã có buổi làm việc chính thức với Uỷ ban nhân dân huyện Lục Ngạn, Hội sản xuất và kinh doanh vải thiều Lục Ngạn và các đơn vị có liên quan để bàn thảo việc đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị và một số kênh phân phối khác của HAPRO.
Sản phẩm hoa hồi tươi của Lạng Sơn trước năm 2007 được bán trên thị trường với giá 3000-5000đ/1kg. Sau khi chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” được đăng bạ năm 2007 và cùng với việc triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Lạng Sơn” dùng cho sản phẩm hoa hồi” thuộc Chương trình, đến tháng 6/2010, hoa hồi tươi được bán với giá 12.000-15.000đ/1kg; đến tháng 10/2010 đã đạt 26.000-28.000đ/1kg.
Đưa thông tin sở hữu trí tuệ vào cuộc sống
Thông qua các dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, công tác thông tin, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ đã được thực hiện, duy trì thường xuyên và có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các hoạt động tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, liên tục dưới nhiều hình thức đã góp phần chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về sở hữu trí tuệ. Từ đó tạo ra phong trào mạnh mẽ trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cộng đồng.
Điển hình như Dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Truyền hình - Chương trình chắp cánh thương hiệu phát trên sóng VTV3 và VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam đã thu hút được số lượng lớn các doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, các cơ quan, đoàn thể và đông đảo tầng lớp trong xã hội tham gia, hưởng ứng và đã tạo ra một phong trào mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền về sở hữu trí tuệ ở các địa phương.
Trên cơ sở kết quả của dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh phê duyệt cho triển khai dự án tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Đài Truyền hình địa phương.
Bước đầu định hình việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội
Phục vụ lợi ích dân sinh
Chương trình đã thành công trong việc đưa các kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tiễn đời sống, phục vụ lợi ích dân sinh tiêu biểu như: Dự án ‘‘Áp dụng sáng chế về công nghệ kè bờ trên nền đất mềm yếu khu vực đồng bằng sông Cửu Long’’ cho thấy đã giải quyết được vấn đề lựa chọn công nghệ phù hợp để kè bờ, chống sạt lở tại một số khu vực có nền đất mềm yếu mà công nghệ kè bờ thông thường không mang lại hiệu quả.
Sau khi đoạn kè thử nghiệm được thi công theo công nghệ hỗ trợ của dự án, nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã đến tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để tìm kiếm lựa chọn công nghệ phù hợp, bảo đảm lâu bền để thi công kè bờ những khu vực có nền đất mềm yếu. Đến nay, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã nhận được một số đơn đặt hàng thi công kè bờ theo công nghệ từ giải pháp theo sáng chế số 5874 (Bạc Liêu, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Tiền Giang, Phú Thọ …).
Chương trình còn tạo động lực cho các địa phương tự huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ dùng cho các các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của mình.
Bên cạnh đó có 21 địa phương đã phê duyệt và thực hiện các chương trình riêng, bằng kinh phí tự huy động khác để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình.
Nhiều địa phương đã chủ động huy động kinh phí đối ứng để thực hiện các nội dung của Chương trình (35 địa phương đã huy động 11.344,500 triệu đồng từ các nguồn khác không phải từ Ngân sách Nhà nước ở Trung ương để triển khai 45 nội dung của Chương trình, chiếm 37,5% kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước ở Trung ương).
Có thể nói, các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ tham gia Chương trình được triển khai rộng khắp, dưới nhiều hình thức, tạo được sự quan tâm của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ nói chung và về Chương trình nói riêng.
Theo số liệu thống kê tại Cục SHTT, hiện đã có 53 đặc sản nổi tiếng (37 sản phẩm nông, lâm, hải sản; 11 sản phẩm thủ công, làng nghề; 04 sản phẩm thủy sản và 01 dịch vụ) của 42 địa phương trong cả nước đã và đang được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ dưới các dự án khác nhau như về xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột, sâm Ngọc Linh, cói Nga Sơn, thanh long Bình Thuận, nón lá Huế...); tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận (hoa Đà Lạt, đá mỹ nghệ Non Nước, nước mắm Cát Hải...) và quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (chè Thái Nguyên, hồ tiêu Chư Sê, tỏi Lý Sơn, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim...).
Thông qua Chương trình 68, các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (đặc biệt là sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý) khi đưa ra thị trường đòi hỏi được quản lý chất lượng và các yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy trình nghiêm ngặt, Chương trình đang hỗ trợ các dự án thuộc lĩnh vực này. Việc triển khai hiệu quả quản lý quyền sở hữu trí tuệ góp phần đưa sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Quỳnh Hoa
|