Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ bảy, 19/04/2025 , 12:24 pm
Cập nhật : 28/04/2012 , 09:04(GMT +7)
Đưa quyền sở hữu trí tuệ vào trường đại học, cao đẳng
Giảng viên và sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Bình Thuận tham dự Hội nghị tập huấn SHTT
Lâu nay, việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, cao đẳng hầu như bỏ ngỏ. Sinh viên vi phạm bản quyền vẫn không biết đó là vi phạm hoặc xem chuyện vi phạm là bình thường, hiển nhiên đến độ thành thói quen. Và không chỉ là sinh viên, mà giảng viên cũng “vô tư” vi phạm; không ít bài giảng của giảng viên lấy ví dụ từ sách, báo, các trang mạng nhưng không ghi rõ nguồn. Tình trạng sao chép không trích dẫn tạo thành thói quen từ bài giảng, từ tiểu luận đến khóa luận rồi luận văn, luận án cũng không ghi nguồn. Cũng vì thế mà những đề tài nghiên cứu khoa học cứ giông giống nhau...

Để chấn chỉnh thực trạng này, năm 2008, Bộ GD - ĐT đã ban hành Quy định số 78/2008/QĐ - BGDĐT về quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong cơ sở giáo dục đại học. Một số trường đại học, cao đẳng cũng đã có những giải pháp và quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đơn cử, từ năm 2009, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh đã ban hành quy định về sở hữu trí tuệ trong nội bộ của trường. Theo đó, đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của trường gồm: Quyền tác giả đối với tác phẩm giáo trình, bài giảng, báo cáo khoa học, các giống cây, các quy trình kỹ thuật. Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, các máy móc thiết bị nông nghiệp, bí mật kinh doanh, logo, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại. Và quyền đối với giống cây trồng và vật liệu nhân giống.

Không chỉ bằng việc ban hành quy định mà mới đây, hai trường: Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội và  Trung cấp Múa TP Hồ Chí Minh đã tổ chức giảng dạy môn Quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ. Đây là lần đầu tiên quyền sở hữu trí tuệ được đưa vào học ở một trường không phải chuyên ngành luật. Đại tá - Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội cho biết: “Chúng tôi nhận thấy môn học này cần cho sinh viên, đặc biệt là những sinh viên múa, sáng tác, sân khấu điện ảnh… Vào đầu năm học tới, trường sẽ áp dụng dạy môn này trong toàn bộ chương trình đào tạo của trường”. Ông Trịnh cũng chia sẻ thêm, dạy môn học này để sinh viên hiểu, nắm rõ được luật và quan trọng hơn cả là tạo cho sinh viên thói quen trong việc sử dụng tác phẩm bản quyền.

Từ việc hai trường nêu trên đưa quyền sở hữu trí tuệ vào chương trình học, có ý kiến đề nghị cần nhân rộng mô hình này trong các trường đại học và cao đẳng; hoặc có thể đưa vào chương trình môn Pháp luật đại cương vài tiết dành cho sở hữu trí tuệ; hoặc có thêm những buổi nói chuyện cho sinh viên, đặc biệt áp dụng các trích dẫn trong làm luận văn, luận án, sử dụng sách sao chép...

Luật sư Lê Quang Vy, Công ty Luật VLT Lawers, giảng viên phụ trách bộ môn Quyền tác giả và quyền liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ cho rằng: “Với sinh viên dù bất cứ ngành nào cũng đều cần biết quy định về trích dẫn để thực hành trong bài tập, khóa luận. Với môn học này, quan trọng là làm sao sinh viên phải hiểu và ý thức được việc tôn trọng bản quyền là việc hiển nhiên và thoải mái với việc đó”.

Tuy nhiên, TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh phản biện: “Không phải cái gì cũng đưa vào trường học. Sở hữu trí tuệ là cần thiết nhưng nó phù hợp giảng dạy ở những ngành quản lý trực tiếp về khoa học chứ không phải ngành nào cũng giảng dạy. Sinh viên muốn biết về quyền sở hữu trí tuệ phải đọc, tìm hiểu từ báo chí, mạng Internet...”.

Việc có nên giảng dạy pháp luật về sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay hay không thì còn phải nghiên cứu và quyết định… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là bằng cách nào đó cung cấp cho sinh viên hiểu rõ pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ, để không chỉ chấn chỉnh tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học, cao đẳng hiện nay, mà còn giúp họ hiểu và thực hiện tốt các quy định về quyền sở hữu trí tuệ khi ra trường, lập nghiệp.



 

Nguồn tin: Đại biểu nhân dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner