Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ tại TP.HCM cho biết, nhiều năm qua, số lượng đơn đăng ký sáng chế và nhãn hiệu gia tăng liên tục song cùng với đó, số vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng tăng lên.
Theo ông Nguyễn Thanh Hồng- Trưởng phòng thực thi và giải quyết khiếu nại - Cục SHTT. Việt Nam đang tham gia Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa. Hiện thỏa ước này có khoảng 80 - 90 nước lớn tham dự, trong đó phần đông là các nước châu Âu. Doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi tham gia vào Thỏa ước này, thay vì phải nộp đơn đến từng nước để đăng ký SHTT thì chỉ cần nộp đơn đăng ký vào tổ chức này, và nó sẽ tự động đi đến các nước cùng tham dự Thỏa ước. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới có hơn 490 DN đăng ký tham gia thỏa ước này. Trong khi các DN Việt Nam chậm trễ thì các DN nước ngoài lại rất nhanh tay, trường hợp nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký nhãn hiệu ở Trung Quốc là một ví dụ điển hình.
Ông Bình cho biết, 5 năm trở lại đây, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng lên hàng năm, nhất là ở khu vực phía Nam. Trong giai đoạn 2009- 2011, số lượng đơn đăng ký tăng từ 15- 20%, còn trong hai năm gần đây, do ảnh hưởng kinh tế khó khăn nhưng lượng đơn đăng ký vẫn tăng nhẹ.
Theo thống kê từ Cục SHTT, năm 2013, số lượng đơn đăng ký các loại đạt 76.659 đơn, tăng 7,6% so với 2012. Trong đó, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp có tỷ lệ tăng trưởng đạt 5,3%, tương đương 42.998 đơn, bao gồm đơn sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, đơn nhãn hiệu quốc gia, chỉ dẫn địa lý, đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam...
Cùng với sự gia tăng về số lượng đơn đăng ký quyền SHTT, số vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp ở Việt Nam đang gia tăng. Đơn cử ở TP.HCM, năm 2013, số vụ vi phạm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chỉ bằng một nửa năm 2012 nhưng giá trị phạt tiền và tiêu hủy cao gấp 2 lần. Việc xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp chủ yếu về hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu, xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Vụ việc vi phạm xảy ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực và thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Đáng chú ý là có khốỉ lượng lớn hàng giả, hàng nhái được sản xuất ở nước ngoài và nhập khẩu về Việt Nam để tiêu thụ; có công ty tới 90% hàng giả là hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý thị trường, công tác chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hiện nay còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nguyên nhân là do cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; nhận thức cộng đồng chưa cao và sự phối hợp giữa DN và cơ quan thực thi chưa bài bản... Bên cạnh các DN có sự phốỉ hợp thường xuyên, chặt chẽ với cơ quan nhà nước thì còn nhiều DN chưa quan tâm đúng mức.
Nhiều DN từ chối, thậm chí “ngại” đề nghị xử lý xâm hại với lý do khó khăn về kinh tế... Năm 2013, chỉ có 106 DN Việt Nam đề nghị thực thi bảo hộ quyền SHTT, con số rất nhỏ trong tổng số khoảng 3,5 triệu DN hiện nay. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, để xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả), nhất thiết phải có sự tham gia của DN chủ sở hữu, vì DN có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Nếu DN bất hợp tác, cơ quan chức năng rất khó khăn để chống hàng giả.
Khi quản lý thị trường phát hiện hàng giả, yêu cầu DN tham gia xác định hàng giả thì DN chưa tích cực hợp tác do e ngại ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, khiến người tiêu dùng không muốn mua sản phẩm của mình. Hoặc do kinh phí xử lý tốn kém nên DN né tránh. Ngoài ra còn do các thủ tục khi nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm theo quy định hiện hành còn hết sức rườm rà, phức tạp. Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Những nguyên nhân này làm cho hiệu quả thực thi chống vi phạm xâm phạm sỏ hữu công nghiệp không cao.
Ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương- cho biết, thời gian qua, nhiều DN đã tích cực chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trong việc chống hàng giả và xâm phạm bản quyền. Mặc dù vậy, vẫn còn không ít DN chưa quan tâm, thậm chí có những DN còn chưa tích cực phối hợp với lực lượng chức năng trong xử lý hàng xâm phạm bản quyền.
Có những trường hợp lực lượng QLTT phát hiện những vụ xâm phạm bản quyền, hàng giả, nhưng khi mời DN là chủ quyền sở hữu đến thì khó khăn. Nhiều trường hợp DN mặc dù biết mình bị xâm phạm quyền SHTT nhưng lại không hợp tác với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, vì họ e ngại việc tố cáo hàng giả hàng nhái sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và doanh thu của sản phẩm khi người tiêu dùng chưa thực sự phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Đồng thời, nếu DN công bố cách nhận biết hàng giả hàng nhái, thì đó lại là cơ sở để các đối tượng sản xuất hàng giả hàng nhái làm theo…
Để góp phần nâng cao hoạt động SHTT, trong thời gian tới Cục SHTT tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT nhằm đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi giai đoạn mới; nâng cao nhận thức công chúng, nhất là của các DN; tăng cường tư vấn, hỗ trợ các tổ chức cá nhân trong xác lập, thực thi quyền SHTT, khai thác tốì đa tài sản trí tuệ...
Trên thực tế hành vi xâm phạm quyền SHTT diễn ra liên tục và có những diễn biến phức tạp, cơ quan thực thi liên tục phải đối phó với tình trạng đó bằng việc tăng cường các giải pháp cho quyền SHTT được bảo hộ một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, rất cần có sự cố gắng phối hợp của DN trong việc kịp thời bảo hộ tài sản trí tuệ của mình. Bên cạnh đó, DN cũng cần có sự đầu tư thích đáng về nhân lực và tài chính cho vấn đề bảo vệ SHTT.