Lựa chọn và bảo vệ nhãn hiệu như thế nào cho hiệu quả là điều mà không nhiều doanh nghiệp thực hiện được.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức trung gian nâng cao hiệu quả hoạt động về nhãn hiệu, ngày 25.5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM tổ chức hội thảo, tập huấn với nội dung “Kỹ năng đánh giá khả năng bảo hộ của nhãn hiệu”.
Theo diễn giả Hà Nguyệt Thu từ Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo của Cục Sở hữu trí tuệ, giá trị của nhãn hiệu hàng hóa có thể cao hơn nhiều so với suy nghĩ của các doanh nghiệp.
Một ví dụ được bà Thu đưa ra là thương vụ Công ty Unicharm của Nhật Bản mua lại nhãn hiệu Diana năm 2011 với mức giá 128 triệu USD (tương đương với 2.560 tỷ đồng). Tuy nhiên, theo các chuyên gia quốc gia đánh giá, mức giá đó vẫn chưa phản ánh đúng giá trị của nhãn hiệu này mà lẽ ra con số hợp lý phải lên đến 184 triệu USD.
Dù nhãn hiệu có giá trị lớn như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn thờ ơ do việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là không bắt buộc. Theo bà Thu, nguyên nhân chính là sự thiếu sót trong kiến thức về sở hữu trí tuệ liên quan đến nhãn hiệu và doanh nghiệp không lường được những hậu quả có thể xảy ra nếu nhãn hiệu không được bảo vệ.
Việc nhiều nhãn hiệu sản phẩm có uy tín của các doanh nghiệp Việt bị “cướp” ở thị trường nước ngoài là một ví dụ điển hình. Theo bà Thu, bảo hộ nhãn hiệu có tính lãnh thổ theo nơi đăng ký bảo hộ. Vì vậy, khi doanh nghiệp Việt mở rộng ra thị trường quốc tế mà không đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước sở tại thì không thể nói là chúng ta bị “cướp” được.
Dù không bắt buộc nhưng nếu doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có ý nghĩa rất lớn không chỉ với chủ nhãn hiệu.
Bên cạnh ý nghĩa với doanh nghiệp như tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm và được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu còn giảm rủi ro mua phải hàng giả mạo cho người tiêu dùng cũng như góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Cũng trong buổi hội thảo, nhiều ví dụ cụ thể đưa ra để đánh giá về các tiêu chí lựa chọn nhãn hiệu phù hợp. Một số kinh nghiệm được đưa ra là nhãn hiệu nên kết hợp cả hình và chữ để người tiêu dùng dễ nhớ, lựa chọn nhãn hiệu cũng nên tính đến hạn chế sử dụng các yếu tố gây khó hiểu cho người tiêu dùng ở các thị trường khác.
Ngoài ra, khi mở rộng kinh doanh ở thị trường mới, doanh nghiệp cũng cần để ý lựa chọn nhãn hiệu không gợi đến những ý nghĩa không hay theo ngôn ngữ, văn hóa của thị trường đó.
Sử dụng hình ảnh, dấu hiệu nhái theo các thương hiệu lớn đang là vẫn nạn
Xâm phạm quyền chủ nhãn hiệu bằng các dấu hiệu, hình ảnh trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu phổ biến để là một trong những vấn đề gây bức xúc cũng được đề cập đến tại hội thảo.
Bà Hà Nguyệt Thu cho rằng bên cạnh vai trò của các cơ quan chức năng, việc doanh nghiệp lựa chọn ra nhãn hiệu phù hợp, có khả năng và phạm vị bảo hộ tốt sẽ góp phần quan trọng ngăn chặn các hành vi xâm phạm nói trên. Hay nói một cách khác, doanh nghiệp nên “tự cứu mình trước khi trời cứu”.