Thực tế thời gian qua cho thấy có không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chỉ khi đã bị doanh nghiệp khác hoặc các chủ thể nước ngoài chiếm đoạt tên sản phẩm gây thiệt hại thì mới nhận ra tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Trước thực trạng trên, Cục Sở hữu trí tuệ đã tổ chức buổi làm việc bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài vào sáng 25/6, tại Hà Nội nhằm tìm hiểu thực trạng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam, đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện có của Nhà nước dành cho doanh nghiệp đối với hoạt động này.
Bộ KH&CN đã triển khai nhiều hoạt động
Phát biểu khai mạc, ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết doanh nghiệp Việt ngày càng có ý thức hơn về vai trò của tài sản trí tuệ và đã thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thực hiện việc này ở nước ngoài còn rất ít, ngay cả khi các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới.
Cục đã tổ chức được nhiều hoạt động như tuyên truyền, tập huấn tại Cục Sở hữu trí tuệ và các địa phương về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong nước và nước ngoài; tổ chức hội thảo chuyên đề giới thiệu Hệ thống Madrid về đăng ký quốc tế nhẵn hiệu; xây dựng bộ phận tư vấn; xây dựng tài liệu hướng dẫn trên website của Cục Sở hữu trí tuệ; triển khai các dự án hỗ trợ đăng ký ra nước ngoài cho một số chỉ dẫn địa lý như thanh long Bình Thuận, vải thiều Lục Ngạn, cà phê Buôn Mê Thuột, Chè Thái Nguyên, Mỳ chũ Bắc Giang,…
Qua đó, nhận thức của doanh nghiệp đã được nâng cao, lượng đươn đăng ký nhãn hiệu thông qua Hệ thống Madrid trong 5 năm qua tăng (năm 2020 tăng 150% so với năm 2015, số quốc gia được chỉ định cũng tăng và danh mục hàng hóa, dịch vụ đa dạng hơn).
Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam ý thức được vai trò của tài sản trí tuệ, thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp tại thị trường trong nước, nhưng tại thị trường nước ngoài còn rất ít doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc đăng ký. Chính vì vậy đã xảy ra nhiều trường hợp một số tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam bị mất tại nước ngoài do có cá nhân, tổ chức khác đăng ký trước, như câu chuyện của cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Mê Thuột,…
Đi tìm nguyên nhân
Lý giải thực trạng trên, theo đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ, một trong những nguyên nhân là do chưa triển khai được tư vấn chuyên sâu hơn, đặc biệt là chưa có kênh riêng cung cấp thông tin về tư vấn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài cũng như kết nối các thông tin về các thị trường tiềm năng, hệ thống cảnh báo về việc đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài. Bên cạnh đó, chưa kết hợp để lồng ghép hiệu quả hoạt động tư vấn, hỗ trợ về đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài vào các hoạt động có liên quan của các Bộ, ngành, địa phương để thành chuỗi hoạt động hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp.
Theo đại diện của Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) một trong những nguyên nhân nữa là do nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu nói riêng và phát triển thương hiệu nói chung còn hạn chế. Có thể họ thấy không cần phải đăng ký hoặc không có đủ thông tin, kiến thức để thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình.
Vải thiều Bắc Giang được cấp chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Ngoài ra, do nhu cầu thực tế của doanh nghiệp về sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm của mình chưa thật cấp thiết. Doanh nghiệp không đăng ký vì cho rằng chi phí đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tốn kém. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số thương hiệu Việt Nam đã bị “mất bản quyền” tại thị trường nước ngoài.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Ngọc Bắc, Phó Giám đốc sở KH&CN Sơn La cũng cho rằng, việc các doanh nghiệp chưa đăng ký thương hiệu một phần vì do tâm lý, phần vì do doanh nghiệp nhỏ không nắm được kiến thức cả về luật trong nước và luật quốc tế.
Theo bà Trần Thị Hòa, Phó Chủ tịch Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nguyên nhân chính nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu còn là do vốn ít.
Cần sự hỗ trợ của các bên
Để góp phần khắc phục tình trạng các doanh nghiệp không quan tâm đúng mức và không đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, theo đại diện của Sở KH&CN Hà Nội, trong thời gian tới cần đẩy mạnh áp dụng các giải pháp như tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Qua đó giúp các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và kịp thời đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm kinh doanh.
Theo đại diện của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho rằng trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam cần được chú trọng và nâng cao hơn nữa.
Tại buổi làm việc, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư, kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp cần đánh giá đúng và đủ thông tin, quy định pháp luật, dịch vụ… liên quan đến lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng chế, thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp… để tự bảo vệ tài sản vô hình cũng như hữu hình. Các cơ quan quản lý cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp thông tin, tư vấn pháp lý và hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bảo hộ không chỉ ở trong nước mà còn ở nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước bởi việc nộp hồ sơ xin cấp bằng bảo hộ tại nước ngoài rất tốn kém tiền bạc, thời gian, thủ tục còn phức tạp.
Bên cạnh đó, cần có sự kết nối giữa các đơn vị chức năng thuộc Bộ, ngành để kịp thời cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý ở địa phương, kết nối thông tin giữa địa phương và trung ương; tăng cường sự tham gia chủ động và tích cực của các đầu mối đại diện của các Bộ, ngành ở nước ngoài; lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ nói chung và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài nói riêng trong các chương trình của các Bộ, ngành, địa phương; xây dựng tài liệu hướng dẫn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở các thị trường được nhiều doanh nghiệp quan tâm; khảo sát nhu cầu của các nhóm chủ thể để triển khai các hoạt động phù hợp; xây dựng kênh tư vấn riêng về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài…
Bài, ảnh: Đăng Minh