Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Mới đây, Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức hội thảo: “Quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu” nhằm thúc đẩy việc quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thương mại hóa tài sản trí tuệ còn hạn chế
Ông Hoàng Văn Tân, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, nếu như việc xác lập quyền SHTT được quan tâm và thúc đẩy tốt trong thời gian qua thì quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ, khâu quan trọng đưa SHTT vào cuộc sống vẫn còn thiếu và yếu. Các quy định pháp lý nhằm quản lý và hướng dẫn vấn đề này vẫn còn nhiều bất cập; nhận thức và thực hành của các chủ thể quyền còn chưa đầy đủ.
Thực tế, hiện có rất ít độc quyền sáng chế ở các viện, trường được đưa vào thương mại hóa. Theo các chuyên gia, tình trạng các kết quả nghiên cứu bị “bỏ ngăn kéo” (kể cả các kết quả nghiên cứu đã được bảo hộ dưới dạng quyền SHTT) trong một thời gian dài là khá phổ biến. Điều này dẫn đến việc chuyển giao công nghệ gặp không ít khó khăn, không khuyến khích được sáng tạo.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo (Cục SHTT) chia sẻ: “Tại các viện nghiên cứu chuyên tạo ra các kết quả có thể ứng dụng vào thực tế thì tình trạng quản lý, khai thác tài sản trí tuệ cũng chưa đạt yêu cầu. Không có nhiều sáng chế tiêu biểu được bảo hộ độc quyền và khai thác thương mại thành công”.
Về vấn đề này, TS. Lê Thị Thu Hà, giảng viên Khoa kinh tế và Kinh doanh quốc tế (Đại học Ngoại thương Hà Nội) cho hay, số liệu về đơn đăng ký sáng chế trong những năm qua ở Việt Nam vẫn tăng đều hàng năm khoảng 10%. Tuy nhiên, số lượng đăng ký sáng chế do người Việt Nam nộp đơn chỉ chiếm khoảng 6-8%. Một trong những nguyên nhân được vị chuyên gia này đưa ra chính là bởi các trường, viện nghiên cứu đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn kinh phí của nhà nước, chưa huy động được các nguồn tài chính khác, đặc biệt là của DN.
Tăng cường hợp tác nghiên cứu - ứng dụng
Tại hội thảo “Quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu”, các chuyên gia đến từ Cơ quan sáng chế Nhật Bản, Viện Thúc đẩy sáng chế Nhật Bản, Công ty Chuyển giao công nghệ Kansai đã chia sẻ với phía Việt Nam về kinh nghiệm về quản lý, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Theo ông Isao Honzawa, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Ban kế hoạch và Điều phối chính sách thuộc Cơ quan sáng chế Nhật Bản), nhiệm vụ của các trường đại học của Nhật là đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhiệm vụ quan trọng nhất là “đóng góp cho cộng đồng” tức là đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tế.
Để làm điều đó, Nhật Bản đưa ra nhiều chính sách thúc đẩy hợp tác giữa DN và trường đại học. Cụ thể, các công ty và trường sẽ cùng tham gia dự án nghiên cứu. Công ty sẽ giao dự án nghiên cứu cụ thể cho trường. Trường sẽ chuyển giao kết quả nghiên cứu của họ cho công ty hoặc ký kết hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng với công ty đó. Bên cạnh đó, trường đại học cần thành lập các DN dựa trên kết quả nghiên cứu của họ.
Còn theo bà Lê Thị Thu Hà, cần xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học với DN nhằm nắm bắt nhu cầu thực tiễn, tạo điều kiện cho việc phát triển thị trường khoa học công nghệ. Bao gồm thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ và bộ phận quản lý tài sản ở các trường như mô hình quản lý ở Nhật Bản; phân bổ lợi ích hợp lý từ nguồn thu được từ khai thác thương mại tài sản trí tuệ… Đây là cơ hội đem lại nhiều kiến thức bổ ích, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu triển khai của các trường đại học ở Việt Nam./.
Theo ông Isao Honzawa, tthời gian tới, sự hợp tác về quản lý và thương mại hóa tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu giữa hai nước Nhật Bản và Việt Nam sẽ chặt chẽ, sâu rộng hơn, đẩy mạnh hơn chứ không dừng lại ở việc cử chuyên gia sang học tập và nghiên cứu! |