Đi tắt đón đầu công nghệ
Ông Nguyễn Văn Viện - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Hải Phòng - chia sẻ, từ trước năm 1989 Công ty sản xuất theo kế hoạch, dùng các nguyên liệu trong nước với sản phẩm chủ yếu là sơn dầu, chất lượng còn hạn chế, độ bền kém, thường bị rạn nứt chân chim, sản xuất trên hệ thống dây chuyền thiết bị cũ, lạc hậu…
Năm 1996, Công ty nhận thấy cần phải đi tắt đón đầu, cải tiến và đổi mới công nghệ thông qua con đường mua bí quyết công nghệ. Theo định hướng chiến lược này, chúng tôi đã rất thành công trong việc mua và chuyển giao công nghệ sản xuất sơn tàu biển từ hãng Chugoku Marine Paints, Nhật Bản (CMP), một trong 3 hãng sơn tàu biển hàng đầu thế giới.
Đến nay, Sơn Hải Phòng đã mở rộng dây chuyền sản xuất sơn tàu biển cao cấp với công suất lên 10.000 tấn/năm; dây chuyền sản xuất sơn tấm lợp nâng công suất lên 15.000 tấn/năm và đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại nhất. Hiện nay Công ty có trên 200 loại sản phẩm. Trong đó, có 60% là sản phẩm sơn cao cấp phục vụ cho ngành tàu biển và công nghiệp.
Bên cạnh đó, sản phẩm sơn của Công ty đã tham gia vào kênh phân phối sản phẩm nối mạng toàn cầu của hãng sơn CHUGOKU, tạo thêm sức mạnh cho sản phẩm sơn CMP và khẳng định vị thế của công ty trong ngành sản xuất sơn tàu biển trong nước.
|
Công trình cầu Bính. |
Đầu tư mạnh cho trung tâm Ngiên cứu và triển khai
Từ năm 1990 Công ty đã thành lập phòng thử nghiệm, đến năm 2006 nâng cấp phòng thử nghiệm thành Trung tâm R&D với tổng kinh phí đầu tư và nâng cấp mở rộng tới hàng chục tỉ đồng. (Trung tâm có diện tích 800m2 với 12 phòng chức năng được trang bị các thiết bị hiện đại).
Ông Nguyễn Văn Viện cho biết, nhiệm vụ của Trung tâm khá đa dạng: Vừa tìm tòi, nghiên cứu các xu hướng phát triển công nghệ, lựa chọn công nghệ cho phù hợp; vừa tìm cách phát huy tính năng của các bí quyết, công nghệ được chuyển giao cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế và tự nghiên cứu đưa ra các bí quyết, công nghệ và sản phẩm mới của chính mình.
Mỗi năm, ngoài việc phối hợp với Sở KH&CN Hải Phòng thực hiện hàng chục đề tài nghiên cứu cấp sở, Công ty cũng kết hợp với rất nhiều viện nghiên cứu như Viện KH&CN Việt Nam, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện KH&CN Giao thông Vận tải…, đưa các ứng dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
|
Dự án tàu Arikun. |
Hướng tới sản phẩm công nghệ cao
Xây dựng ngành sơn là ngành kinh tế mạnh, đặc biệt sơn tàu biển - công nghiệp. Theo chiến lược của Công ty, sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm sạch, có hàm lượng công nghệ cao với tỉ trọng 50% tổng sản phẩm (năm 2010) và tỉ trọng 80% trên tổng sản phẩm vào năm 2015.
Đã đến lúc phải đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu nhằm chuẩn bị lộ trình cho phát triển xa hơn trong 10 hoặc 20 năm tới. Bởi sau giai đoạn đi tắt đón đầu, mua bí quyết công nghệ nước ngoài, phải đầu tư trở lại để trang bị cho mình có đủ tiềm năng chủ động trong nghiên cứu và phát triển, ông Nguyễn Văn Viện khẳng định.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận với các viện nghiên cứu, các trường đại học hoặc các trung tâm nghiên cứu lớn, tiên tiến trên thế giới, giúp cho doanh nghiệp có điều kiện nắm bắt nhanh các thông tin kỹ thuật mới nhất nhằm áp dụng hiệu quả hơn vào công tác nghiên cứu và phát triển.
N.Uyên - Phương Nga