Nhân loại đã phải chờ đợi trong suốt một khoảng thời gian dài lên tới hàng thập kỷ để có thể được hưởng những thành tựu của y học. Nhiều công trình được đánh giá là bước tiến lớn của nhân loại trong lĩnh vực y tế. Năm 2019 lĩnh vực y tế đã có những công trình xuất sắc khẳng định trình độ KH&CN trong Y học của nước ta, tiệm cận được với khu vực và thế giới.
Năm 2019, niềm hạnh phúc đã đến chị Vũ Thị Tuyết 39 tuổi ở Thành phố Bắc Ninh, khi chị phát hiện mang thai trở lại sau thời gian dài chờ đợi. Chị Vũ Thị Tuyết cho biết khi mang thai 17 tuần chị đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám bác sĩ chuẩn đoán hội chứng truyền máu song thai giai đoạn 2, 19 tuần bác sĩ thực hiện mổ nội soi can thiệp bào thai. Hiện tại hai bé khỏe mạnh.
Ngày 4/10/2019 đánh dấu một sự kiện y tế nổi bật của khoa học trong lĩnh vực Y tế khi Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công hai ca mổ can thiệp trong bào thai để thực hiện điều trị hội chứng truyền máu song thai. Cả hai ca này đều có biểu hiện giống nhau là cặp song thai chung bánh rau. Nếu không can thiệp thì hậu quả là thai chết lưu hoặc để lại di chứng nặng nề.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chuẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, không phải lúc nào mình cũng làm được một cách như ý bởi vì thai đang cử động, buồng ối đang đa ối và căng tức. Đây là kỹ thuật đòi hỏi cao sự khéo léo, kiên nhẫn để giải quyết triệt để căn nguyên.
Hội chứng truyền máu song thai là hội chứng vô cùng nguy hiểm xảy ra trong trường hợp hai thai có chung một bánh rau. Điều này dẫn đến một em bé nhận được nhiều máu hơn, khiến tim thai phù nề, suy đa tạng. Trong khi em bé còn lại nhận được quá ít máu, không đủ dinh dưỡng nuôi thai, dẫn đến còi cọc. Để thực hiện kĩ thuật này các bác sĩ tiến hành đông tụ từng mạch máu nhỏ ngăn chặn tình trạng máu truyền từ thai cho sang thai nhận để hai thai tự phát triển độc lập.
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, phát triển y học bào thai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt. Trong những trường hợp song thai một bánh rau có tới 15% mắc hội chứng này. Như vậy, đây là một tỉ lệ rất lớn. Trước khi chúng tôi thực hiện đề tài này ở Việt Nam chưa có bất kỳ một can thiệp nào. Nhìn các cháu diễn biến xấu mà không biết làm sao. Thế giới mới chỉ thực hiện được hơn 10 năm nay. Như vậy Việt Nam đã tiệm cận được với kỹ thuật này.
Chia sẻ về ý nghĩa xã hội của Đề tài, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, những nghiên cứu về lĩnh vực y tế năm 2019 tập trung vào y tế dự phòng, chuẩn đoán, điều trị, nghiên cứu sản xuất thuốc, vắc xin, vật tư y tế. Qua nghiên cứu các nhà khoa học trong lĩnh vực y tế đã làm chủ được các quy trình kỹ thuật, các công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ khoa học trong lĩnh vực y tế ở nước ta. Các kết quả nghiên cứu này được ứng dụng ngay vào công tác điều trị thực tiễn với giá thành rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại hoặc nếu như phải ra nước ngoài điều trị.
PGS.TS. Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Duy Ánh cho biết, hiện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện mổ được 16 ca. Sau thành công của Đề tài, chúng ta sẽ được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và kỹ thuật này phải được triển khai cho nhiều đơn vị để cho nhân dân và người bệnh có nhiều cơ hội tiếp cận với kỹ thuật này.
Năm nay lĩnh vực y tế không chỉ có một sự kiện trên và có một thông tin đáng mừng nữa là vắc xin phòng cúm mùa 3 chủng do Viện vắc xin và sinh phẩm y tế sản xuất có tên thương mại là IVACFLU-S có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường ở người gồm chủng cúm A/H1N1, chủng cúm A/H3N2 và chủng cúm B.
Quy trình sản xuất được thực hiện bằng cách cấy truyền nhiều đợt trên trứng gà với chủng ngừa virus cúm phù hợp với khuyên cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Ông Đàm Xuân Cường, Phụ trách Phòng Sản xuất vắc xin cúm – Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế cho biết, hiện tại với quy trình lõi sản xuất trứng gà có phôi IVAC có đủ tự tin khi có những biến chủng mới về cúm mùa, cúm đại dịch, phù hợp với yêu cầu của Tổ chức Y tế thế giới.
IVACFLU-S có khả năng ngăn ngừa ba chủng virus cúm thông thường ở người
Dây chuyền sản xuất vắc xin cúm mùa ba chủng đã được Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế thiết lập hoạt động ổn định với công suất là 1.5 triệu liều/1 năm. Vắc xin cúm mùa đã được cấp sổ đăng ký lưu hành ngày 14/1/2019 và đưa ra phục vụ cộng đồng cho lứa tuổi từ từ 18-60 tuổi.
TS. Nguyễn Ngô Quang, Quản lý điều hành Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, kết quả về tình an toàn trên các đối tượng tham gia nghiên cứu, tính miễn dịch đặc biệt là hiệu lực bảo vệ đạt kết quả cao theo tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới cũng như tiêu chí của quốc tế đưa ra.
Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế sản xuất thành công vắc xin cúm mang lại nhiều cơ hội cho người dân Việt Nam được sử dụng vắc xin ngừa cúm chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế với giá thành phù hợp.
TS. GUIDO TORELLI, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Chuyển giao Coogn nghệ, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, Việt Nam không chỉ có nguồn cung cấp vắc xin cúm cho nhu cầu trong nước, khu vực mà còn có thể sản xuất theo đơn đặt hàng của WHO. Với thành công này, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động trong trường hợp cúm đại dịch xảy ra.
Trong lĩnh vực sản xuất vắc xin hiện nay, Việt Nam là quốc gia thứ 5 có khả năng sản xuất vắc xin trong khu vực Tây Thái Bình Dương đạt các tiêu chuẩn toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới về giám sát chất lượng đối với vắc xin sản xuất trong nước. Điều này khẳng định vắc xin của Việt Nam được thế giới thừa nhận có thể xuất khẩu sang các nước tiên tiến và cung cấp cho liên minh toàn cầu về vắc xin để đẩy lùi dịch cúm trên thế giới.
Đánh giá thành công về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất vắc xin phòng bệnh ở người, ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật cho biết, sản phẩm vắc xin cúm mùa do Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế Nha Trang sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng cao trên dây chuyền thiết bị hiện đại, và có tác dụng dự phòng bệnh cúm mùa. Đây là một bệnh rất phổ biến đặc biệt là vào mùa Đông Xuân. Giá thành vắc xin chỉ bằng 2/3 so với vắc xin nhập khẩu. Điều đó chứng minh được trình độ nghiên cứu, năng lực của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất vắc xin.
“Thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phê duyệt và triển khai Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về lĩnh vực y tế nhằm mục đích phục vụ tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, và nâng cao sức khỏe nhân dân”, ông Trình Thanh Hùng cho hay.
Việt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng khích lệ, từng bước rút ngắn cách biệt về năng lực khoa học so với khu vực và thế giới để đưa khoa hoc, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong tương lai. Hi vọng rằng trong năm 2020 sẽ có thêm nhiều tin vui về kết quả ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực y tế.
Bài, ảnh: Phương Nga