Dự kiến sẽ có 17 lớp chuyên sâu về các lĩnh vực của sở hữu trí tuệ (SHTT) được tổ chức tại 4 khu vực thí điểm khu vực Bắc Bộ và miền Trung với khoảng 500 học viên tham dự.
Đây là hoạt động đào tạo của dự án “Đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung” do khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội chủ trì với sự tài trợ của Chương trình Hỗ trợ Phát triển tài sản trí tuệ (Bộ KH&CN).
Tại hội thảo “Giới thiệu và khởi động dự án đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ cho khu vực Bắc Bộ và miền Trung” do khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Chương trình Hỗ trợ Phát triển tài sản trí tuệ (Bộ KH&CN) tổ chức sáng 18/1/2017, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Phó chủ nhiệm phụ trách khoa Luật, chủ nhiệm dự án cho biết: dự án được tiến hành thực hiện trong 24 tháng, tập trung vào các nhóm đối tượng chuyên sâu như: khối giảng viên với các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ; kinh tế- tài chính; khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật, kiến trúc. Khối doanh nghiệp bao gồm ca hợp tác xã, các hộ kinh doanh. Khối cán bộ thực thi quyền SHTT gồm các cơ quan quản lý thị trường, hải quan, công an, viện kiểm sát nhân dân, tòa án và cuối cùng là nhóm các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Theo đó, chương trình đào tạo sẽ được xây dựng dựa trên điều tra, khảo sát, đánh giá nhu cầu đào tạo của từng nhóm đối tượng. Chương trình sẽ được chỉnh sửa, hoàn thiện sau đợt thí điểm theo hướng nâng cấp hệ thống học liệu. Giảng viên sẽ được mời từ các trường đại học, viện nghiên cứu, Bộ KH&CN, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các văn phòng luật sư, cơ quan thực thu và cơ quan, doanh nghiệp có liên quan khác.
Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Chương trình đào tạo được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế đó là đảm bảo quyền thực thi SHTT, thực hiện các cam kết về SHTT đòi hỏi cán bộ của các cơ quan thực thi (hải quan, quản lý thị trường, công an, tòa án…) có trình độ để có thể phát hiện, xử lý đúng các vụ xâm phạm quyền. Bên cạnh đó nhu cầu cán bộ cho các tổ chức hỗ trợ, tư vấn, đại diện SHTT, giám định SHTT đòi hỏi các chương trình đào tạo cụ thể để đảm bảo cung cấp nhân lực cho hệ thống này…
Thảo luận về giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác đào tạo về SHTT, nhu cầu đào tạo về SHTT của doanh nghiệp, các đơn vị có liên quan, các đại biểu đã bổ sung nhiều ý kiến đóng góp cho chương trình đào tạo. Cụ thể: cần bổ sung thêm những nội dung về đào tạo SHTT như chỉ dẫn địa lý, kỹ năng tìm kiếm, tra cứu bằng sáng chế phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp…
PGS.TS Trương Vũ Hoàng Giang, Phó ban KH&CN, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, điều quan trọng là ứng dụng những kiến thức thu được từ chương trình vào thực tế như thế nào. Bên cạnh đó, không nên gói gọn quy mô cho những nhóm đối tượng mà cần đưa vào hệ thống đào tạo chung, trước mắt có thể là hệ thống đào tạo của Đại học quốc gia như một môn tự chọn.
Kết thúc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh cho biết, với tư cách là chủ nhiệm dự án, bà rất cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học để bổ sung những điểm còn khiếm khuyết chưa đầy đủ của dự án. Ông Lê Ngọc Lâm cũng khẳng định: Nhu cầu đào tạo về SHTT là rất cần thiết, chính vì vậy dự án đáp ứng phần nào định hướng về hoạt động đào tạo SHTT mà Cục SHTT đề ra, đặc biệt là vấn đề tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác mở rộng hoạt động đào tạo, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động đào tạo.
Tin, ảnh: Minh Châu