Bên lề Hội nghị Lãnh đạo các cơ quan sở hữu trí tuệ (SHTT) ASEAN và Tổ chức Bằng sáng chế châu Âu (EPO), ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục SHTT- Bộ KH - CN đã trao đổi với báo chí về một số vấn đề SHTT tại Việt Nam.
- Được biết, Cục SHTT và một số nước ASEAN triển khai chương trình thẩm định sáng chế? Xin ông cho biết, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi gì từ Chương trình này?
- Cục trưởng Trần Việt Hùng: Chương trình này không phải là việc nộp đơn lẩn nhau. Dùng một đơn đăng ký ở tất cả các nước ASEAN. Còn ở đây, nếu cùng một sáng chế được nộp ở nhiều nước ASEAN, thì chúng ta có thể không cần phải làm lại từ đầu những thẩm định như vậy.
Mỗi thẩm định như vậy thường rất phức tạp, phải lấy tất cả các sáng chế trùng hoặc tương tự hoặc không có tính đối chứng sát với nó để người ta đối chứng rồi cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật. Nếu một sáng chế đăng ký ở 10 nước, mà 10 nước ASEAN phải làm thẩm định như vậy sẽ tốn gấp 10 lần. Nhưng nếu 1 cơ quan làm trước, sau đó chúng ta sử dụng kết quả đó cho thẩm định của các nước tiếp theo.
Đây cũng là cách mà nhiều nước trên thế giới đang làm và chúng tôi cũng đang bàn về việc này. Người đăng ký sẽ được cấp sớm hơn và cơ quan SHTT ở mỗi quốc gia sẽ giảm bớt được gánh nặng về thẩm định cũng như phương tiện, vật chất bỏ ra để tiến hành thẩm định đó. Tôi nghĩ, đây là một chương trình tôi cho rằng rất bổ ích.
- Trong luật Sở hữu trí tuệ, nếu một tên miền đụng chạm một nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc một nhãn hiệu đã được bảo hộ trước đó tại VN thì một tên miền như vậy sẽ được coi là cạnh tranh không lành mạnh? Luật SHTTcủa Việt Nam có điều khoản quy định sẽ xử lý trường hợp đó?
- Rõ ràng, bên vi phạm phải đổi tên miền để tránh gây sự nhầm lẫn. Trong đó, bảo hộ tên miền còn phức tạp nhất định vì nó liên quan đến truyền thông hoặc xuyên biên giới.
Chúng ta có thể xử lý trường hợp ở trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng có trường hợp xảy ra ở những sever nằm ngoài Việt Nam. Trong trường hợp như vậy, nếu nảy ra tranh chấp thì có thể khiếu nại cái đó lên tổ chức SHTT thế giới (WIPO) và có sự can thiệp nhất định của tổ chức cấp tên miền quốc tế để giải quyết tranh chấp. Vì vậy, tất cả doanh nghiệp khi đăng ký nhãn hiệu thì nên đăng ký cả tên miền.
- Hiện nay hệ thống SHTT Việt Nam gặp phải những thách thức gì
- Thách thức chung của hệ thống SHTT là tốc độ phát triển nhanh của các đơn đăng ký sáng chế trên toàn thế giới, EPO một năm nhận được hơn 200 nghìn đơn đăng ký sáng chế. Với Mỹ và Nhật Bản thì con số đó có thể lớn hơn (xấp xỉ 300 nghìn mỗi năm).
Tại Việt Nam, số lượng đơn đăng ký sáng chế tăng khoảng 15 – 20% mỗi năm, trong khi đó hạn chế của các xét nghiệm viên, nếu đào tạo xét nghiệm viên sáng chế cũng mất 5 năm, làm nhãn hiệu mất 2 - 3 năm. Như vậy rõ ràng không kịp, dẫn đến tồn tại những đơn đến hạn chưa được cấp.
Thứ hai là chất lượng đơn đăng ký và văn bằng được cấp ra không đảm bảo sẽ tổn hại cho người sử dụng và những người bị kìm chế.
Thứ ba là hệ thống tra cứu còn phức tạp.
- Xin cảm ơn ông!
Mai Hà