Không đăng ký hoặc chậm trễ đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
Không đăng ký hoặc chậm trễ đăng ký nhãn hiệu, doanh nghiệp sẽ không có cơ sở pháp lý để kiện cáo hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm đối với nhãn hiệu của mình; không có cơ sở gốc để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài...
Cuối năm 2011, sau khi thu thập đủ chứng cứ, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Tân Trường Sơn (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã báo với các cơ quan chức năng bắt quả tang hàng loạt sản phẩm cửa cuốn “nhái” do Công ty TNHH Cửa cuốn Úc Vinh Quang (Quận Kiến An, TP Hải Phòng) sản xuất. Trước đó, sản phẩm cửa cuốn của của công ty Tân Trường Sơn đã được cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng
Thanh tra Bộ KH-CN và các cơ quan chức năng vào cuộc đã xử phạt Công ty Cửa cuốn Úc Vinh Quang 66 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, phạt cảnh cáo đối với hành vi vi phạm quy định về chỉ dẫn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và phải tiêu hủy toàn bộ số sản phẩm giả mạo.
Cơ quan chức năng kiểm tra các sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm nhãn hiệu, chất lượng tại tỉnh Tiền Giang (Ảnh: Công ty CP phát triển khoa học công nghệ VINA)
Theo thống kê của Cục SHTT, trong năm 2011, cả nước đã có gần 1600 vụ vi phạm về nhãn hiệu đã bị xử lý với số tiền phạt hơn 9 tỉ đồng; 107 vụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp bị xử lý với số tiền phạt trên 264 triệu đồng và 4 vụ vi phạm sáng chế/giải pháp hữu ích bị xử lý với số tiền phạt 10 triệu đồng.
|
Ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Tổng giám đốc Công ty Tân Trường Sơn cho biết, sau khi phát hiện có sản phẩm nhái, công ty đã nhanh chóng tìm hiểu kỹ nơi sản xuất, kho lưu giữ sản phẩm nghi là hàng nhái. “Chúng tôi bí mật tìm cách lấy mẫu và trưng cầu giám định tại Viện giám định sở hữu trí tuệ. Khi đã có kết quả giám định khẳng định sản phẩm đó vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, công ty đã báo các cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật”, ông Ngọc nói.
TS.Trần Văn Hải, Chủ nhiệm khoa Khoa học quản lý, Chủ nhiệm Bộ môn Sở hữu trí tuệ, trường ĐH KHXH-NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) hướng dẩn, khi phát hiện nhãn hiệu của mình bị giả mạo, trước hết doanh nghiệp cần gửi công văn (kèm theo bản photocopy có công chứng giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp) cho đơn vị xâm phạm nhãn hiệu và yêu cầu họ chấm dứt hành vi xâm phạm.Quá thời hạn yêu cầu, doanh nghiệp có thể làm đơn đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ví dụ như thanh tra khoa học và công nghệ, quản lý thị trường...xử lý hành vi xâm phạm.
Ông Hải cũng lưu ý, nhãn hiệu do Cục SHTT Việt Nam cấp giấy chứng nhận đăng ký thì chỉ có hiệu lực bảo hộ trên lãnh thổ Việt Nam trong thời hạn 10 năm. Doanh nghiệp có thể gia hạn liên tiếp không hạn chế số lần. Nếu muốn đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, cần tìm hiểu các luật quốc tế có liên quan như Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Tháa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hoặc Nghị định thư Madrid.
Chủ động bảo vệ nhãn hiệu
Trong thực tế, hiện các vi phạm về quyền SHTT chưa được giải quyết một cách kịp thời, mức phạt nhiều lúc thấp hơn quy định nên thiếu tính răn đe. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cơ quan thực thi đối với việc xử lý các vi phạm chưa cao do bị quá tải trong việc xử lý các vụ việc thông thường khác, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa tốt.
Cán bộ Văn phòng Cục SHTT tại TP.HCM tư vấn cho người dân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu (Ảnh: Giang Khuê)
Tỷ lệ các vụ việc vi phạm quyền SHTT được xử lý bằng biện pháp hành chính chiếm đến hơn 90%, các vụ xử tại tòa chưa đến 10%. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà hợp tác với các cơ quan thực thi khi xảy ra vi phạm SHTT của mình, người tiêu dùng vẫn còn hiện tượng chấp nhận mua bán hàng nhái, hàng giả với giá rẻ.
Theo ông Hoàng Văn Tân, phó Cục trưởng Cục SHTT, việc không đăng ký hoặc việc chậm trễ đăng ký nhãn hiệu sẽ không thực hiện được việc xác lập quyền sở hữu của doanh nghiệp đối với nhãn hiệu đó. Lúc đó, có thể xảy ra những nguy cơ như gặp khó khăn trong khai thác nhãn hiệu, ví dụ như trong thủ tục quảng cáo nhãn hiệu, chuyển nhượng, lixăng nhãn hiệu; không có cơ sở pháp lý để kiện cáo hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý các vi phạm đối với nhãn hiệu của mình; không có cơ sở gốc để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài trong trường hợp hàng hóa của mình có nhu cầu bảo hộ ở nước ngoài cho hàng xuất khẩu.
“Trong trường hợp có khó khăn về tài chính thì doanh nghiệp nên chọn lựa đăng ký những nhãn hiệu quan trọng nhất trong hoạt động kinh doanh của mình”, ông Tân khuyến cáo.
Một biện pháp khác là chủ động bảo vệ nhãn hiệu của mình bằng việc áp dụng dán tem chống hàng giả do Viện Khoa học hình sự- Bộ Công an cung cấp.
Từ khi Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm bánh tráng Trảng Bàng và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì số lượng bán và giá bánh đã tăng lên đột biến.
Theo anh Phạm Văn Hiển, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Tân Tiến (Tây Ninh), giá của bánh tráng tăng từ 14.000 đồng lên 22.000 đồng/ xấp/ ký, riêng dịp Tết nguyên đán thì giá lên tới 60.000đ/kg do cung không đủ cầu. Số lượng sản xuất cũng tăng đột biến (gấp khoảng 10 lần so với trước đây.
Ngoài ra, bánh tráng còn được xuất khẩu sang các nước như: Hàn Quốc, Đức, Pháp…Trong đó, lượng xuất khẩu tại thị trường Đức là nhiều nhất. Đối với thị trường Mỹ có yêu cầu gắt gao hơn, họ chỉ nhập loại bánh tráng phơi trong nhà và phải được sản xuất bằng máy. Hiện chỉ có 2 cơ sở sản xuất bánh tráng tại tỉnh Tây Ninh là đáp ứng được yêu cầu này.
San Thái
|