Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng đang trình hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu “Hoa Đà Lạt” cho 5 loại hoa. Các loại hoa được đăng ký nhãn hiệu "Hoa Đà Lạt gồm cúc, hồng, cẩm chướng, cát tường và lay ơn, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Lâm Đồng cho biết ngày 28.8
Đây là năm loại hoa đặc trưng được trồng nhiều ở Đà Lạt và một số vùng thuộc các huyện Đức Trọng, Lạc Dương, Đơn Dương.
Các đơn vị tham gia sẽ xây dựng bộ quy định về hình thái, mẫu mã, chất lượng sản phẩm cho năm loại hoa sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hoa Đà Lạt” và bản đồ vùng sản xuất, kinh doanh của năm loại hoa trên với các tiêu chí nghiêm ngặt về kích thước và màu sắc của hoa, chiều cao của cành, số lượng bông trên mỗi cành…
Theo ông Tâm, do chưa xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận nên thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng danh tiếng một số loại hoa ở Đà Lạt để đưa ra thị trường sản phẩm hoa mang thương hiệu Đà Lạt nhưng không phải xuất xứ từ Đà Lạt.
Hiện nay, tổng diện tích đất trồng hoa tại Đà Lạt và các vùng phụ cận là trên 2 nghìn ha, với sản lượng đạt 1.776 triệu cành/năm, góp phần vào giá trị xuất khẩu hoa của toàn tỉnh Lâm Đồng hàng năm khoảng 13 triệu USD.
Trước đó, loại hoa đầu tiên được tỉnh Lâm Đồng chọn để gắn nhãn “Hoa Đà Lạt” là loài địa lan (cymbidium). Đà Lạt hiện có khoảng gần 400 hộ trồng địa lan với quy mô 200 chậu trở lên.
Hoa địa lan Đà Lạt có giá bán khá cao từ 40.000 – 70.000 đồng/cành, còn dịp lễ, tết có giá 150.000 – 450.000 đồng/cành (bán theo chậu); riêng một số giống mới như địa lan vàng SJC, địa lan cam lửa… có giá đến 1,5 triệu đồng/cành.
Minh Cường