Bản thân việc học vật lý đã rất khó khăn, nhưng nếu bạn là một người khiếm thính, điều đó còn khó hơn gấp bội bởi nhiều thuật ngữ không có từ tương đương trong ngôn ngữ ký hiệu. Hiện nay, các thuật ngữ chuyên ngành vật lý đã được dịch sang Ngôn ngữ ký hiệu của Anh (British Sign Language) và dễ dàng tra cứu trực tuyến.
Cuốn từ điển chứa 119 thuật ngữ vật lý, bao gồm các chủ đề về: ngân hàng, điện, bước sóng, chân không và không trọng lượng. Từ điển này sẽ giúp tháo gỡ một phần những rào cản đối với người khiếm thính khi tham gia khoa học.
Rachel O’Neill, một giảng viên về giáo dục người khiếm thính thuộc Trung tâm Giác quan Scottish (SSC), Đại học Edinburgh cho biết, “vật lý là môn học đòi hỏi nhận thức, tư duy, trong khi nhiều thuật ngữ vật lý lại không có trong từ điển ngôn ngữ ký hiệu, và điều này đã đặt ra nhu cầu bức thiết cho các giáo viên dạy trẻ khiếm thính và các nhà hoạt động hỗ trợ giao tiếp phải tìm và thiết kế ra các thuật ngữ tương đương giúp người khiếm thính dễ tiếp thu kiến thức hơn.
Không phải là điều dễ dàng khi người ta phải dạy học sinh 13 tuổi hiểu sự khác biệt giữa “trọng lượng” và “khối lượng” bởi hai từ này hay được dùng thay thế cho nhau trong tiếng Anh hằng ngày. Nhưng nếu như có một học sinh khiếm thính ở trong lớp, khó khăn này còn tăng lên gấp bội bởi không có ký hiệu từ “khối lượng”, và thuật ngữ “trọng lượng” thì không thể thay thế ý nghĩa khoa học cho “khối lượng” được.
Trong khi đó, việc đánh chữ bằng tay quá tốn thời gian và không phải người khiếm thính nào cũng có khả năng đọc được khẩu hình miệng. Ngay cả khi họ có thể thì khẩu hình miệng của những từ như “endothermic” (thu nhiệt) và “exothermic” (tỏa nhiệt), cũng rất khó phân biệt.
Cơ sở của nghĩa ẩn dụ
Cuốn từ điển được xây dựng bởi một nhóm các nhà khoa học khiếm thính, chứa đựng 119 thuật ngữ về vật lý và kỹ thuật bằng ngôn ngữ ký hiệu của Anh. Cuốn từ điển xây dựng dựa trên các ký hiệu sẵn có được sử dụng bởi cộng đồng người khiếm thính và dựa trên “tính trực quan hay mối quan hệ ẩn dụ của mỗi ký hiệu với hình dáng các vật ngoài đời thực” O’Neill giải thích thêm.
Các ký hiệu này cũng được xây dựng dựa trên bản thân chúng nhằm truyền tải mối quan hệ khoa học giữa các thuật ngữ. Ví dụ ký hiệu từ “trọng lượng” thì nắm 1 tay lại, sau đó chính từ này cũng được sử dụng làm nền tảng cho ký hiệu từ “tỷ trọng” (1 bàn tay đi vòng xung quanh nắm đấm) và “trọng lượng” (1 bàn tay mở và 1 bàn tay nắm di chuyển đi xuống).
Đây là cuốn từ điển đầu tiên bao gồm video có người diễn tả ký hiệu từng thuật ngữ và chứa đựng cả định nghĩa cũng được diễn tả bằng ngôn ngữ ký hiệu của mỗi thuật ngữ đó
Khoa học trực quan
O’Neill ước tính chỉ một nhóm nhỏ người khiếm thính có thể dựa vào các cuốn từ điển thuật ngữ bằng ngôn ngữ ký hiệu này để học lên cao chuyên ngành vật lý ở Anh quốc.
“Tôi từng nghe về trường hợp một số trường học từ chối hỗ trợ một học sinh muốn học vật lý vì họ không thể cung cấp những nhà hỗ trợ ngôn ngữ với trình độ phù hợp với kiến thức môn học, và việc thiếu các ký hiệu từ cũng khiến việc giúp đỡ các em là bất khả thi”, ông O’Neill cho biết.
Audrey Cameron, một giáo viên hóa học người khiếm thính từng tham gia vào việc biên soạn cuốn từ điển cho biết, hồi cô còn đi học đã có một bộ từ điển tương tự thế rồi. Cô cho biết mình đã học hỏi được rất nhiều bởi các ký hiệu mới “giúp trực quan hóa các khái niệm khoa học”.
Thách thức bây giờ là làm thế nào đảm bảo các giáo viên, các nhà hỗ trợ ngôn ngữ và các học sinh sẽ sử dụng các thuật ngữ mới này. O’Neill tuy lạc quan nhưng cũng bày tỏ lo ngại: “chúng tôi thực sự không biết liệu cộng đồng người khiếm thính có chấp nhận những ký hiệu này không.”
Khác biệt ngôn ngữ ký hiệu giữa các quốc gia
Cuốn Từ điển vật lý này là sự bổ sung thêm vào bộ từ điển ngôn ngữ ký hiệu về sinh học, toán học và hóa học được biên soạn bởi SSC.
Ở Mỹ, có một website tương tự với tên gọi Signing Math & Science (Ngôn ngữ ký hiệu cho Toán và Khoa học), sử dụng các hình ảnh 3D để mô phỏng các ký hiệu. Vì ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ khác ngôn ngữ ký hiệu của Anh và có xu hướng dựa nhiều vào cách đánh chữ bằng tay, nên SSC đã tự phát triển các ký hiệu thuật ngữ của họ thay vì vay mượn từ hệ thống ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ. O’Neill cho biết ngôn ngữ ký hiệu được sử dụng ở Úc, New Zealand và Ấn Độ khá giống với ngôn ngữ ký hiệu của Anh, nên người khiếm thính ở các quốc gia này, về mặt lý thuyết, có thể sử dụng bộ từ điển của SSC.
Tuy nhiên, bất cứ ai tìm kiếm ký hiệu của cụm từ “lượng tử” hay “nguyên lý bất định” sẽ phải thất vọng bởi cuốn từ điển được thiết kế chỉ cho học sinh khiếm thính ở đội tuổi dưới 16. Ở độ tuổi này, các em chưa được tiếp cận các khái niệm trên.
Việc phiên dịch các thuật ngữ khoa học từ ngôn ngữ lời nói sang ngôn ngữ ký hiệu không chỉ là thách thức của trường học. Tại buổi họp thường niên của Hiệp hội Khoa học tiên tiến Hoa Kỳ, các phiên dịch viên phải dịch các bài nói sang ngôn ngữ ký hiệu. Họ phải nghiên cứu tài liệu trước đó nhiều giờ để sau đó có thể xử lý, quyết định trong một tích tắc xem sẽ phải thể hiện thuật ngữ đó bằng cách đánh chữ hay tạo ra một ký hiệu mới cho thuật ngữ đó.