Sáng chế của tác giả Phan Trọng Hoàn ở TP. Hồ Chí Minh - “Nhà nổi chống lũ” chính là “cứu cánh” cho người dân sinh sống tại những vùng có nguy cơ bị lũ quét cao. Chính vì tính khả thi đó, sản phẩm đã được chọn là 1 trong 5 sáng chế xuất sắc nhất lọt vào Gala chung kết Nhà sáng chế 2013.
Tìm lời giải cho người dân vùng lũ
Nhà nổi trên lũ, có lẽ đây là ước mơ của rất nhiều người dân sống trong những khu vực thường xuyên gặp mưa lũ. Và bây giờ, người dân hoàn toàn có thể sở hữu một căn nhà như vậy. Ông Trọng Hoàn, tác giả của sáng chế “Nhà nổi chống lũ” cho biết ý tưởng giúp người dân vùng lũ ĐBSCL sống chung với lũ đã được ông ấp ủ hơn 20 năm nay.
Quan điểm của ông khác với quan điểm của nhiều người là những gia đình có điều kiện sống chung với lũ là những người khá giả, có tài sản lớn gắn với lũ nên ngôi nhà do ông thiết kế và chế tạo phải là ngôi nhà hiện đại, đẹp, có tuổi thọ cao. Từ ý nghĩ đấy, ông cho rằng vấn đề cốt lõi là nhà phải được làm từ vật liệu nhẹ, có độ bền cao cả trong môi trường khô ráo cũng như ngập nước, chịu được phèn, mặn.
Sau hơn 10 năm mày mò nghiên cứu, ông Trọng Hoàn – Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trọng Danh đã nghiên cứu thành công và cho ra đời sản phẩm nhà lắp ghép đa năng với các vật liệu nhẹ do chính Công ty sản xuất gồm: Ngói nhựa trấu siêu nhẹ; Ván sàn nhựa trấu; Gạch thông minh; La phông nhẹ; Khung thép đặc chủng.
Điều đáng nói là những vật liệu này được chế tạo ra từ trấu – một sản phẩm dư thừa trong nông nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường sống. Kết hợp tất cả những vật liệu này để xây dựng ngôi nhà nổi. Không xây móng, không cần vữa, thời gian lắp ghép chỉ trong 3-5 ngày.
Cấu tạo chủ yếu của nhà lắp ghép là khung chịu lực bằng khung thép đặc chủng gồm cột, dầm, móng... liên kết với hệ thống phao nổi toàn bộ được đặt trên hệ móng đặc biệt; kết cấu mái với hệ khung thép, lợp ngói nhựa trấu;
Toàn bộ tường bao che bên ngoài và tường ngăn giữa các phòng đều sử dụng gạch block nhựa trấu được liên kết với nhau không cần vữa trát; sàn được lát bằng ván sàn nhựa trấu trên hệ khung thép cố định, còn phần phía dưới nền nhà bố trí hệ thống phao nổi.
Ông Hoàn cho biết, với thiết kế này, tất cả các chi tiết hoàn thiện cho nhà chống lũ đều là các tấm trang trí sản xuất sẵn bằng nhựa trấu kết hợp sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời là chính.
Ngoài ra, căn nhà còn bố trí 1 bồn chứa nước 500 lít và kho chứa lương thực dự trữ có thể sử dụng ít nhất 7 ngày. Toàn bộ ngôi nhà sẽ tự động nổi khi nước lũ dâng lên và khi nước rút, nhà sẽ hạ xuống và cố định lại vị trí ban đầu, rất an toàn cho người sử dụng.
Mang lại thay đổi lớn cho cuộc sống
Được biết, hiện ông Hoàn có cả xưởng sắt và 2 máy ép nhựa lớn, bản thân ông vừa là chủ vừa là thợ nên công việc “vừa sản xuất, vừa hoàn thiện” với ông là khá thuận lợi. Hiện ông đang thử nghiệm bể đựng nước từ vật liệu là các viên gạch đặc biệt trên.
Khi hỏi về giá bán, ông Hoàn cho biết phải tùy từng đơn hàng cụ thể. Khi được đặt hàng một ngôi nhà 6m x 6m, có kết cấu như nhà mẫu nhưng thêm trần và đảm bảo khi nước lên thì nổi theo nước và khi nước rút thì định vị chắc chắn trên đất và được ông báo giá khoảng 8 triệu đồng/m2, các thiết bị nội thất tính riêng tùy gia chủ.
Ông Hoàn cũng lưu ý thêm, với các nhà nổi thì diện tích nhà được tính theo “móng”, cụ thể nhà có diện tích 6m x 6m thì diện tích móng (phao nổi) phải là 8m x 8m. Với các nhà nổi thì ông cũng chưa thiết kế được bể phốt.
Hiện nay, những căn nhà nổi do ông Hoàn thiết kế đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm và thiết kế 1 số mẫu theo 1 kiểu nhất định để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Mặc dù chưa hoàn thiện nhưng đã có nhiều cá nhân và đơn vị ngỏ ý đặt hàng sản phẩm nhà nổi của ông.
“Hi vọng khi sản phẩm hoàn thiện sẽ giúp ích được nhiều cho người dân vùng lũ để cuộc sống của họ bớt khổ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đặt xưởng sản xuất tại miền Nam và miền Bắc và nếu như được sản xuất hàng loạt thì giá thành chắc chắn sẽ thấp hơn, phù hợp với từng khu vực, từng vùng lũ khác nhau.”, ông chia sẻ.
Ngoài việc dùng những vật liệu nhẹ để lắp ghép thành nhà nổi, thì các vật liệu này còn được ông dùng vào việc lắp những ngôi nhà bình thường với thời gian lắp ghép từ 7-10 ngày/nhà. Vì đây không những là sản phẩm thiết thực, có ý nghĩa và có thể triển khai sử dụng ngay, ông Hoàn cho biết năm 2012 ông đã tiến hành nộp đơn đăng kí sáng chế vật liệu xây dựng bằng trấu nén với Cục sở hữu trí tuệ.