Cục Sáng chế (tiền thân của Cục SHTT) được thành lập ngày 29/7/1982 khi Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định về việc tổ chức lại bộ máy của Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước. Từ chỗ chỉ có 27 cán bộ thuộc 02 tổ chuyên môn trong ngày đầu thành lập, trải qua gần 4 thập kỷ xây dựng và phát triển, ngày nay Cục SHTT đã trở thành một Cơ quan tầm cỡ trong hệ thống các cơ quan thuộc Bộ KH&CN và của Chính phủ, với gần 350 cán bộ, công chức trong 21 đơn vị trực thuộc.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Đinh Hữu Phí – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, hiện nay, các cán bộ, công chức và người lao động của Cục đang đảm đương một khối lượng công việc to lớn và quan trọng của xã hội. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, Cục đã tiếp nhận gần 53.000 đơn các loại, trong đó đơn đăng ký xác lập quyền SHCN là gần 29.600 (tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước); cấp gần 14.500 VBBH SHCN (tăng 7% so với cùng kỳ năm trước). Trong công tác pháp chế và chính sách, Cục đang tích cực triển khai xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; tham gia đàm phán nội dung SHTT trong nhiều Hiệp định thương mại quan trọng của đất nước như Hiệp định RCEP, CPTPP, v.v. Công tác hợp tác quốc tế của Cục ngày càng được đẩy mạnh với tinh thần tích cực, chủ động hơn; công tác đào tạo được triển khai theo hướng mới với mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực SHTT có chất lượng cho Cục và cho toàn xã hội; công tác thông tin SHCN được tăng cường, giúp đưa thông tin SHCN đến với người sử dụng; các chương trình quốc gia, dự án quốc tế về SHTT được triển khai theo kế hoạch, v.v..
Cục trưởng Đinh Hữu Phí báo cáo 36 năm xây dựng và phát triển của Cục Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, Cục trưởng cũng khẳng định, dù đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận nhưng hoạt động của Cục SHTT vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, lượng đơn tồn trong Cục còn nhiều và có xu hướng gia tăng, trong khi năng lực xử lý đơn còn nhiều hạn chế; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, chất lượng chưa cao; hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở vật chất của Cục còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, v.v..
Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm mà Cục SHTT sẽ khẩn trương triển khai bao gồm: Xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia để định hướng phát triển cho hệ thống SHTT quốc gia nói chung và hoạt động Cục SHTT nói riêng, hướng đến việc biến SHTT thực sự trở thành tài sản quan trọng đối với sự phát triển của đất nước; hoàn thiện cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Cục theo Điều lệ Tổ chức và hoạt động mới, trong đó từng bước tách bạch hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành; triển khai đồng bộ các biện pháp để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn như về nhân lực, công nghệ thông tin, quy trình, thủ tục xử lý đơn, v.v.; đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; và, tập trung xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị của Cục để phục vụ tốt hơn cho hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động sự nghiệp về SHCN. Việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch nhằm tạo sự đoàn kết, nhất trí trong các hoạt động cũng sẽ được Cục quan tâm, chú trọng.
Các thế hệ cán bộ của Cục Sở hữu trí tuệ chụp ảnh lưu niệm.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đánh giá cao vai trò của hoạt động sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và những thành tựu mà Cục SHTT đã đạt được trong 36 năm qua. Thứ trưởng mong muốn tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động của Cục tiếp tục đoàn kết, nhất trí để xây dựng Cục ngày càng phát triển hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội và sự tin tưởng của Lãnh đạo Bộ KH&CN./.
Tin, ảnh: PV