Thành công trong ứng dụng công nghệ để đổi mới doanh nghiệp, ông Nguyễn Bình Phương, Giám đốc công ty CP Đầu tư công nghệ Nano STV cho rằng, nếu doanh nghiệp không sẵn sàng đổi mới và thay đổi để phù hợp với xu thế, việc tụt hậu và “bị loại khỏi cuộc chơi” là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu biết tận dụng cơ hội, doanh nghiệp sẽ vươn lên nhanh chóng và có những bước đột phá phát triển.
Thay đổi để phù hợp với xu thế
Techmart 2015 được coi là có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với mục tiêu hướng tới doanh nghiệp. Đại diện cho một doanh nghiệp KHCN tham gia sự kiện, ông có thể cho biết Techmart 2015 đã thực sự tạo được sự khác biệt và thực sự hữu ích cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp của mình nói riêng?
Chúng tôi rất vui mừng và hoan nghênh Techmart 2015, đồng thời đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự kiện này. Hội chợ này thực sự thiết thực khi hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp. Đây cũng chính là mục tiêu chung, là cái đích mà các ngành công nghệ hướng tới để phát huy hết sức mạnh và tiềm năng của công nghệ. Thực chất, công nghệ là “cốt lõi” của doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung. Khi cả xã hội dồn sức mạnh cho công nghệ, năng lực cạnh tranh của quốc gia sẽ được cải thiện và tăng cường.
Đối với công ty STV nano, đây là cơ hội để chúng tôi quảng bá năng lực của mình. Thông qua hội chợ lần này, chúng tôi có thể chia sẻ, đánh giá đúng tầm công nghệ và thế mạnh, đồng thời có dịp phát triển hơn nữa bằng việc liên kết, trao đổi với các doanh nghiệp và nhà khoa học trong và ngoài nước. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đưa một sản phẩm hoàn toàn mới ra thị trường và nó có ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng, làm tăng uy tín của sản phẩm Việt Nam trên chính thị trường trong nước.
Việt Nam đang trong quá trình phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, bản thân các doanh nghiệp cần có những giải pháp cụ thể nào để “đón” xu thế hội nhập đó. Vậy ông có chia sẻ, mong muốn gì qua Techmart Quốc tế 2015?
Việc hội nhập sâu rộng là thách thức vô cùng to lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Hiện nay, trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam so với thế giới còn khá khiêm tốn. Nếu doanh nghiệp không sẵn sàng đổi mới và thay đổi để phù hợp với xu thế, việc tụt hậu và “bị loại khỏi cuộc chơi” là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu biết tận dụng cơ hội, doanh nghiệp sẽ vươn lên nhanh chóng và có những bước đột phá phát triển.
Qua Techmart Quốc tế 2015, tôi mong muốn cơ hội phát triển công nghệ, nghiên cứu và sáng chế, cũng như trình độ khoa học kỹ thuật mới sẽ được lan tỏa tới các doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp có thể ứng dụng và phát huy đúng tiềm năng của những công nghệ này.
Đây cũng là dịp để cá nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học gặp gỡ, giới thiệu và trình bày những nghiên cứu tiềm ẩn của mình mà trước đây họ chưa ứng dụng hoặc ứng dụng còn hạn chế, để những sản phẩm này được đưa ra và khai thác hiệu quả hơn.
Các nhà quản lý cũng đóng vai trò rất quan trọng. Họ là người tổ chức toàn bộ hoạt động công nghệ, và có được chính sách xuyên suốt trong toàn bộ quá trình. Họ chính là những người giúp đỡ và thúc đẩy sự phát triển của nền công nghệ quốc gia.
Tôi mong muốn Techmart sẽ trở thành một sự kiện có ý nghĩa ngày càng lớn được toàn xã hội mong đợi.
Trong quá trình tham gia, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ nào từ phía các cơ quan chức năng, ban tổ chức cũng như những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp?
Chúng tôi là doanh nghiệp khoa học công nghệ, nên việc tham gia Techmart luôn được ưu tiên. Công ty được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký gian hàng, khách mời, và nhận được sự tư vấn các thủ tục cần thiết cho việc quảng bá thương hiệu. Ban tổ chức cũng giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình trong việc định hướng tìm khách hàng.
Điều đó giúp chúng tôi không gặp phải khó khăn vướng mắc nào trong quá trình tham gia. Bản thân tôi đánh giá đây chính là cơ hội lớn của tất cả các doanh nghiệp.
Ông có thể chia sẻ câu chuyện về kinh nghiệm kết nối của doanh nghiêp mình với đơn vị nghiên cứu khoa học?
Trong quá trình kinh doanh, có rất nhiều vấn đề phát sinh. Nếu doanh nghiệp tự mình giải quyết tất cả các vấn đề đó, đặc biệt là liên quan đến khoa học công nghệ và nghiên cứu thí nghiệm thì sẽ bị hạn chế về mặt đầu tư thiết bị và con người.
Chúng tôi luôn đưa những bài toán này cho các đơn vị chuyên nghiên cứu để họ hoàn thiện các công đoạn sản xuất, bởi đây là lĩnh vực chuyên môn của họ. Cho đến nay, chúng tôi đã đạt được nhiều thành công trong vấn đề này. Chi phí đầu tư được hạn chế, mà kết quả đạt được lại rất đáng tin cậy, có giá trị học thuật cao.
Cụ thể, liên quan đến ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, chúng tôi liên kết với Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cùng với các viện nghiên cứu bảo quản sau thu hoạch để họ triển khai các giải pháp phù hợp.
Cần chuẩn bị tốt những gì mình có
Theo tôi được biết, đối với Doanh nghiệp thì nhu cầu về công nghệ và thiết bị rất lớn. Theo ông, các nhà khoa học cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu của các Doanh nghiệp?
Thứ nhất, bản thân các nhà khoa học phải liên tục tự hoàn thiện mình, nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn.
Thứ hai, các nhà khoa học cần phải hiểu rất rõ doanh nghiệp, và công nghệ hiện tại của họ, giúp họ nắm được giá trị cốt lõi trong công nghệ của bản thân doanh nghiệp.
Thứ ba, các nhà khoa học phải là người tiên phong trong việc nắm bắt sự phát triển của khoa học công nghệ mới trên thế giới, để định hướng và tư vấn cho doanh nghiệp các hướng đầu tư tiềm năng.
Quan trọng nhất, các nhà khoa học phải thực sự đồng hành với doanh nghiệp để kịp thời đáp ứng, giải quyết các vấn đề công nghệ của doanh nghiệp và giúp họ theo kịp cơ hội kinh doanh.
Theo ông, khi tham dự Techmart các cá nhân, doanh nghiệp cần có những chuẩn bị gì? Bản thân doanh nghiệp của ông đã có những gặt hái thành công nổi bật nào qua mỗi kỳ Techmart?
Theo tôi, điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất là các cá nhân và doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nhất những gì mình có. Chúng ta không nên “ngại” bộc lộ thế mạnh công nghệ của mình. Thêm vào đó, không nên bỏ qua việc rà soát lại và nhìn nhận khuyết điểm và các vấn đề yếu kém cần giải quyết.
Qua các kỳ Techmart, chúng tôi đã mua được một số thiết bị trong nước, với giá thành phù hợp, giải quyết được đúng nhu cầu của mình. Nếu đặt mua ở nước ngoài, những sản phẩm này thường có giá thành cao hơn rất nhiều.
Việc chọn mua công nghệ trong nước không chỉ là vấn đề “chìa khóa giao tay” mà còn liên quan đến sự phát triển lâu dài. Nó giúp doanh nghiệp có một thiết bị mới, đồng thời có một đối tác chiến lược đồng hành trong phát triển, hoàn thiện công nghệ sản xuất.
Ông có thể cho biết đã tham dự bao nhiêu lần Techmart và qua mỗi lần tham dự, ông rút ra những kinh nghiệm gì cho bản thân cũng như doanh nghiệp của mình?
Chúng tôi đã tham dự Techmart ngay từ năm 2003 cho đến nay, Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia với tư cách nhà giới thiệu sản phẩm sáng chế. Trong suốt quá trình theo dõi Techmart, công ty chúng tôi có thể “quy hoạch” lại công nghệ, nâng cấp và đổi mới các khâu sản xuất sao cho phù hợp với sự phát triển của trình độ công nghệ, để không tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh.
Thông qua hội chợ, chúng tôi cũng đưa ra những vấn đề còn tồn tại và kiến nghị với các nhà cung cấp để cùng tìm giải pháp phù hợp. Thậm chí, chúng tôi còn đạt được nhiều kết quả thành công ngoài mong đợi.
Ông có thể giới thiệu về công ty ông cũng như những sản phẩm mang đến Techmart là gì và ông kỳ vọng gì khi tham gia sự kiện này?
Công ty STV nano là một doanh nghiệp khoa học công nghệ, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới – công nghệ nano cho nông nghiệp.
Đến với Techmart lần này, công ty mang đến các sản phẩm nano cho ngành nông nghiệp, cụ thể là trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản. Về trồng trọt, chúng tôi có sản phẩm gel nano, có tác dụng bảo quản sản phẩm trước và sau thu hoạch. Trong chăn nuôi, sản phẩm của chúng tôi có tác dụng thay thế thuốc kháng sinh, phòng và trị một số bệnh phổ biến cho vật nuôi và làm sạch và bảo vệ môi trường chăn nuôi một cách bền vững. Về thủy hải sản, chúng tôi đã chế tạo sản phẩm giúp làm sạch môi trường nước, tăng sức đề kháng cho thủy hải sản, xử lý một số bệnh gây thiệt hại lớn, đồng thời giảm rủi ro và mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất.
Trong sự kiện lần này, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra một xu hướng mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch và bền vững nhờ việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, chất kích thích, chất bảo quản, các chất có tác động không tốt đến sản phẩm và môi trường. Chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm này thành một sản phẩm thiết yếu trong phát triển nông nghiệp sạch, đồng thời tìm kiếm khách hàng và những cơ hội hợp tác với các nhà khoa học và các nhà chuyên môn khác.
Xin cảm ơn ông!
Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam 2015 (International Techmart Vietnam 2015) sẽ diễn ra từ ngày 1 - 4/10/2015 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Đây là Techmart có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm gắn kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất và đời sống.
Với chủ đề "Liên kết cùng hội nhập và phát triển bền vững", sự kiện do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN, UBND Tp. Hà Nội và UBND Tp. HCM cùng phối hợp tổ chức. International Techmart Vietnam 2015 diễn ra trong bối cảnh các nước ASEAN đang ngày càng đẩy mạnh tiến trình hội nhập trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ. Đây cũng là hoạt động cụ thể của Bộ KH&CN góp phần tạo lập và phát triển một trong những thị trường hết sức mới mẻ và nhiều tiềm năng ở nước ta là thị trường KH&CN.
Tại sự kiện này, các thành tựu nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công nghệ, thiết bị được ứng dụng và có tác động sâu rộng tới hoạt động kinh tế - xã hội của các đơn vị trong nước và quốc tế sẽ được giới thiệu và chuyển giao. Ngoài các viện nghiên cứu, trường đại học, các Sở KH&CN và các doanh nghiệp, Techmart Vietnam 2015 là dịp tôn vinh và có sự tham dự của các nhà sáng tạo không chuyên từ khắp mọi miền trên cả nước với các công nghệ, thiết bị hết sức gần gũi và thiết thực với đời sống và sản xuất.
Đây cũng là chợ công nghệ và thiết bị tổng hợp, đa ngành với mục đích khuyến khích các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân giới thiệu chào bán, tìm mua công nghệ thiết bị trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh sự tham gia của các nước ASEAN và các nước đối tác trong khu vực, International Techmart Vietnam 2015 còn có sự tham gia của các nước cộng đồng Châu Âu, Mỹ, Nga, Ấn Độ...
Trong thời gian diễn ra Techmart, một chuỗi các hội thảo cũng sẽ diễn ra từ ngày 2-4/10, gồm hội thảo chuyên ngành về các công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT, công nghệ sinh học, y tế - dược phẩm; hội thảo về cơ chế chính sách mới khuyến khích nghiên cứu và phát triển khoa học trong doanh nghiệp; hội thảo về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng và thông tin KH&CN.
Đặc biệt, Techmart năm nay còn có sự phối hợp với Trung tâm Thông tin khoa học và kỹ thuật quốc tế (ICSTI) tổ chức khóa họp lần thứ 66 của Ủy ban đại diện toàn quyền các nước thành viên của ICSTI, nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước thành viên về chính sách, cơ chế và phương thức quản lý, xây dựng hệ thống thông tin và khai thác cơ sở dữ liệu về KH&CN. Dự kiến có khoảng 20 nước thành viên, trong đó có Việt Nam tham gia khóa họp này. Theo Ban tổ chức, International
Techmart Vietnam 2015 dự kiến thu hút khoảng 600 đơn vị trong nước và quốc tế tham gia, chủ yếu tập trung vào các ngành hàng có hàm lượng công nghệ cao như cơ khí - chế tạo máy, điện - điện tử - tự động hóa, hóa chất - vật liệu - dược phẩm - y tế - xử lý môi trường.
|
Bài ảnh: Tuyết Hà