Sau gần 3 năm triển khai giai đoạn 2 (2011 - 2015) Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) được đánh giá là rất cần thiết, đi đúng hướng, nâng cao nhận thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế nhưng vẫn còn nhiều việc phải thực hiện để chương trình được hoàn thiện hơn.
Đó là nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tại Hội nghị sơ kết Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn (2011-2015) do Cục SHTT (Bộ KH&CN) tổ chức mới đây tại Hà Tĩnh.
Những chuyển biến tích cực
Theo thống kê của Cục SHTT, kể từ khi Chương trình 68 được triển khai, số lượng đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân Việt Nam được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ và số văn bằng bảo hộ được cấp tăng đáng kể. Năm 2010 chỉ có gần 23 nghìn đơn đăng ký và hơn hơn 13 nghìn văn bằng bảo hộ được cấp thì đến năm 2012 đã có gần 25 nghìn đơn đăng ký và gần 16 nghìn văn bằng bảo hộ được cấp.
Đặc biệt, Thái Nguyên năm 2009 chỉ có 32 đơn đăng ký nhãn hiệu, năm 2012 đã tăng lên đến 60 đơn đăng ký nhãn hiệu; tỉnh Quảng Ninh năm 2009 có 95 đơn đăng ký nhãn hiệu, năm 2012 đã tăng lên đến 120 đơn đăng ký nhãn hiệu; hay như tỉnh Bình Phước, một tỉnh mới mới tách lập, năm 2012 đã có 55 đơn vị xác lập quyền sở hữu công nghiệp, tăng gấp 3 lần so với năm 2011 và 5 lần so với giai đoạn 2009-2010.
Là một tỉnh miền núi, tỉnh Sơn La sớm triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Nhiều dự án đã được Sở KH&CN triển khai thực hiện như Dự án “Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Yên Châu” cho sản phẩm quả xoài tròn; Dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Mộc Châu” cho sản phẩm chè shan tuyết; Dự án Quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể “Mật ong Sơn La” cho sản phẩm mật ong của tỉnh Sơn La.
TS. Nguyễn Minh Đức, Phó giám đốc Sở KH&CN Sơn La cho biết, các sản phẩm được bảo hộ trong thời gian qua đạt được những hiệu quả kinh tế, xã hội nhất định: Tăng giá bán, tăng thị phần trên các thị trường truyền thống, đảm bảo uy tín và sự nhận biết của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được bảo hộ. Quả xoài tròn Yên Châu từ khi được công nhận sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý năm 2011 giá bán đã tăng gấp 2,7 lần so với năm 2008. Đối với chè shan tuyết Mộc Châu, giá bán chè thành phẩm năm 2012 cao gấp 1,5 lần so với năm 2010. Đặc biệt, chè đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài nhưAfganistan, Pakistan với giá khoảng 2,5 USD - 2,6 USD/kg (năm 2012) trong khi đó các sản phẩm chè của các địa phương khác chỉ xuất được giá từ 1,5 USD - 2USD/kg.
Ông Bùi Quang Minh, Phó Giám đốcSở KH&CN Quảng Ninh đánh giá, ngay từ khi bắt đầu triển khai chương trình, các dự án xây dựng thương hiệu đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho hàng ngàn nông dân, thu hút nông dân tham gia, mang lại diện mạo mới cho kinh tế - xã hội các địa phương: sản phẩm được thị trường quan tâm, giá bán tăng và ổn định, không chỉ tiêu thụ trong nước và còn xuất khẩu ra nước ngoài. Với sản lượng trên 500 tấn (năm 2013), sản phẩm vải chín sớm Phương Nam mặc dù đang trong quá trình xây dựng nhãn hiệu tập thể nhưng đã được thị trường trong và ngoài nước chú ý. Sản phẩm đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh, Lào, Thái Lan. Các sản phẩm khác như na dai Đông Triều, trứng gà Tân An, tôm chân trắng Móng Cái... sau khi xây dựng được thương hiệu, giá bán đã tăng lên từ 1,5 đến 2, 3 lần so với giá cũ.
Phải phát huy hết tiềm năng, thế mạnh
Theo ông Hoàng Văn Tân, Phó cục trưởng Cục SHTT, nhu cầu cần hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của các địa phương, ngành và doanh nghiệp là rất lớn, mỗi năm Chương trình nhận được khoảng 200 đề xuất. Tính đến tháng 8/2013 đã có gần 600 đề xuất hỗ trợ từ các cơ quan đơn vị, địa phương; hơn 325 dự án đã được đưa vào Danh mục tuyển chọn và hơn 200 dự án đã được hỗ trợ triển khai. Song một số nội dung quan trọng chưa triển khai được như mong muốn, chưa có hoặc chưa có nhiều dự án được phê duyệt như: hỗ trợ áp dụng sáng chế, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ, hỗ trợ trong lĩnh vực bản quyền, giống cây trồng mới, tăng cường hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
|
Nhiều sản phẩm trong như Bưởi Phúc Trạch đã mang lại hiệu quả kinh tế cao sau khi xây dựng được thương hiệu (ảnh_ Cục SHTT)
|
Đại diện Vụ KHCN&MT (Bộ NN&PTNT), bà Nguyễn Thị Cúc cũng nhận định, lĩnh vực Bảo hộ giống cây trồng còn khá mới tại Việt Nam. Do đó, việc nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực nghiên cứu phát triển và bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc phát triển, đưa vào sử dụng và khai thác các tài sản này phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, thể hiện số Bằng bảo hộ được chuyển giao, chuyển nhượng và khai thác trong thực tế mới dừng lại ở con số khiêm tốn. Một số đơn vị, cá nhân chưa có kinh nghiệm và chưa quan tâm nhiều đến việc khai thác và phát triển các Văn bằng bảo hộ đã được cấp, một số giống sau khi cấp bằng không kịp khai thác đã xin đình chỉ hiệu lực của Bằng bảo hộ.
“Cần tăng cường hỗ trợ áp dụng, phát triển giá trị giống cây trồng mới được bảo hộ; tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép đối tượng sở hữu trí tuệ” bà Cúc kiến nghị.
Khẳng định tại Hội nghị, Cục trưởng Cục SHTT Tạ Quang Minh cho rằng, các dự án thuộc Chương trình 68 được triển khai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tạo ra mối liên kết và hỗ trợ giữa các cơ quan, ban ngành, giúp các cơ sở, doanh nghiệp bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo được mô hình cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương. Nâng cao hiểu biết của xã hội về lĩnh vực SHTT để chấp hành, tôn trọng quyền và nghĩa vụ theo pháp luật về SHTT.
Tuy nhiên, để hoàn thiện chương trình, Cục trưởng Tạ Quang Minh cho rằng, nửa cuối giai đoạn 2011 - 2015, cần đánh giá hiệu quả các dự án đã kết thúc, từ đó đưa ra phương án khắc phục những nhược điểm; phổ biến, nhân rộng và duy trì kết quả các dự án; Quy định tạo điều kiện về bố trí thời gian, chế độ phụ cấp để các chuyên gia về sở hữu trí tuệ tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình đòi hỏi chuyên môn sâu, cần sự phối hợp của nhiều địa phương, đơn vị như: Đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ; quản trị tài sản trí tuệ; kiểm soát sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và đặc biệt là áp dụng thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN và khoán kinh phí theo kết quả đầu ra.
Vào hồi 9-11h thứ Năm ngày 21/11, báo Đất Việt và Trung tâm nghiên cứu phát triển truyền thông khoa học công nghệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ sẽ phối hợp tổ chức buổi giao lưu trực tuyến" Tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm".
Khách mời tham dự là nhà quản lý, địa phương (có nhiều nông sản được cấp văn bằng chỉ dẫn đia lý, đại diện doanh nghiệp có kinh nghiệm và đặc biệt quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, quan tâm đến việc phát triển tài sản trí tuệ...) Kính mời quý độc giả quan tâm, theo dõi đặt câu hỏi cho các vị khách mời tại baodatviet.vn.
|