Sau vòng chấm sơ khảo Cuộc thi Sáng chế năm 2018, ngày 23/4/2019, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng chế 2018 đã tổ chức chấm 10 giải pháp thuộc các lĩnh vực cơ khí, điện tử, hóa dược, y dược và môi trường vào Vòng thi chung khảo để Hội đồng giám khảo đánh giá và lựa chọn ra giải pháp xứng đáng nhất để trao giải.
Hội đồng giám khảo gồm 7 chuyên gia trong nước và 2 chuyên gia quốc tế (Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Tổng cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO).
Cuộc thi do Bộ Khoa học và Công nghệ (Cục Sở hữu trí tuệ là Cơ quan thường trực) chủ trì, phối hợp với WIPO, KIPO và Ban Khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam tổ chức.
Tại vòng chấm chung khảo, Ban Tổ chức đã công bố thể lệ và tiêu chí Cuộc thi. Theo đó, các tác giả dự thi đã trình bày giải pháp dự thi trước Hội đồng chung khảo. Kết thúc mỗi phần trình bày, các thành viên Hội đồng chung khảo sẽ thảo luận, đánh giá, cho điểm theo quy chế của Cuộc thi.
Theo đánh giá của Ban tổ chức: Cuộc thi sáng chế năm 2018 với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày” đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng khoa học, các nhà sáng chế và đông đảo công chúng. Nhiều giải pháp có trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng cao, đã và đang góp phần thiết thực vào việc cải thiện đời sống kinh tế xã hội của người dân và phát triển doanh nghiệp.
Toàn cảnh Chung khảo Cuộc thi Sáng chế năm 2018
Lễ trao giải thưởng Cuộc thi Sáng chế năm 2018 được tổ chức tại Trường Quay S14, Đài truyền hình Việt Nam, 43 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội và sẽ truyền hình trực tiếp trên sóng của VTV2 từ 20h30 đến 21h30 ngày 25/4/2019.
Tại Việt Nam, Cuộc thi sáng chế đã được tổ chức vào các năm 2013 và 2014, đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia với nhiều giải pháp có giá trị về kỹ thuật, tính ứng dụng, có hiệu quả kinh tế cao. Cuộc thi sáng chế năm 2018 với chủ đề “Sáng tạo công nghệ cho cuộc sống hàng ngày” có mục đích khuyến khích các hoạt động sáng chế, sáng tạo nhằm tạo ra các công nghệ, giải pháp kỹ thuật mới có tính ứng dụng rộng rãi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí để đáp ứng các nhu cầu thiết thực của cuộc sống, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mọi công dân đang cư trú, sinh sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam tạo ra giải pháp kỹ thuật là đối tượng được bảo hộ sáng chế thuộc mọi lĩnh vực kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, đời sống kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng… có thời điểm bộc lộ công khai lần đầu (ở trong nước hoặc ở nước ngoài) hoặc áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam sau ngày 31/5/2013 và chưa tham dự Cuộc thi sáng chế do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức năm 2013, 2014 đều có quyền đăng ký tham dự Cuộc thi.
Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba và Giải Khuyến khích. Tổ chức, cá nhân đạt giải thưởng Cuộc thi sẽ được nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giấy chứng nhận Giải thưởng của Ban Tổ chức, huy chương và Giấy chứng nhận của WIPO tiền thưởng theo quy định, được quảng bá, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các thành viên Chung khảo Cuộc thi Sáng chế năm 2018
10 giải pháp bao gồm:
- “Phương pháp và hệ thống thiết bị sản xuất hỗn hợp C60 – C70 Fullerene”, của tác giả Trịnh Đình Năng đến từ thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc;
- “Quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ chất thải rắn sinh hoạt” của tác giả Trần Kim Quy tai thành phố Hồ Chí Minh;
- “Hỗn hợp dược liệu chăm sóc tóc, lông và chế phẩm chứa hỗn hợp này” của tác giả Nguyễn Hữu Thắng, Cty cổ phần Sao thái dương, Hà Nội;
- “Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của tác giả Hoàng Đức Thảo, Công ty CP KHCN Việt Nam (BUSADCO), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- “Chậu tự động cung cấp nước cho quy trình tưới cho cây” của tác giả Nguyễn Vĩnh Phúc - Nguyễn Vĩnh Sơn, TP.Hồ Chí Minh;
- “Đập mở chặn thủy triều và giữ nước sông” của tác giải Hoàng Ngọc Kỷ, TP.Hồ Chí Minh;
- “Hệ thống hộp thép mạ kẽm bọc nhựa PVC chứa đá học liên kết dạng bậc so le bảo vệ mái hạ lưu đập đá đồ giảm lũ quét và bùn đá” của tác giải Nguyễn Ngọc Quỳnh tại Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội;
- “Hệ thống thu thập, quản lý thông tin bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh” của tác giải Vũ Văn Anh, Hà Nội;
- “Thiết bị cảnh báo lũ từ xa sử dụng tín hiệu pháp hiệu. Cảnh báo cho các đoạn đường ngập nước”;
- “Thiết bị phát sáng đeo tay và phương pháp điều khiển” của tác giải Phạm Huỳnh Phong, TP. Hồ Chí Minh.
|
Tin, ảnh: Mai Hà