Để bảo vệ uy tín, danh tiếng của các sản phẩm nông sản, đặc sản gắn liền với điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu, truyền thống của con người và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được các nước Châu Âu đặt ra từ thế kỷ XIX.
Còn ở Việt Nam, công tác này cũng đã được chú trọng nhưng cũng còn nhiều vấn đề như chỉ dẫn địa lý nông sản bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và chiếm dụng. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về vấn đề này.
Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra nhiều câu chuyện liên quan đến các chỉ dẫn địa lý nông sản của Việt Nam bị chiếm dụng và đăng ký bảo hộ. Xin ông cho biết cụ thể về điều này?
- Đúng là gần đây có rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam bị nước ngoài đăng ký, chiếm dụng. Điều này không những đã làm cản trở các hoạt động thương mại của các sản phẩm nông sản Việt Nam mà còn ảnh hưởng xấu đến các khía cạnh văn hoá, lịch sử, kinh tế, uy tín và hình ảnh của các sản phẩm nông sản của Việt Nam.
Thực tế, chúng ta có rất nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng nhưng nếu không được quan tâm, có kế hoạch bảo vệ và đăng ký nhãn hiệu của các sản phẩm nông sản Việt Nam thì sẽ có nguy cơ cao bị các tổ chức, cá nhân nước ngoài chiếm dụng. Hiện, Cục Sở hữu Trí tuệ và các đơn vị liên quan đang đề xuất những phương án xử lý khác nhau cho từng trường hợp cụ thể.
Trần Hữu Nam - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ)
Nhiều người chưa hiểu đúng về việc đăng ký nhãn hiệu, nghĩ rằng đã đăng ký ở Việt Nam thì có hiệu lực ở trên toàn cầu. Vậy làm thế nào để các đối tượng có liên quan nắm rõ các quy định pháp luật về đăng ký nhãn hiệu, thưa ông?
- Nguyên tắc cơ bản của bảo hộ sở hữu trí tuệ là nguyên tắc bảo hộ theo lãnh thổ, các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu của chúng ta đăng ký ở Việt Nam thì chỉ được bảo hộ ở Việt Nam, không được bảo hộ ở lãnh thổ nước khác.
Để nắm rõ “luật chơi” không có cách nào khác ngoài cách các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh và các đối tượng có liên quan phải nghiên cứu kỹ về các quy định pháp luật bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và các nước, cũng như nghiên cứu thị trường tiềm năng để có kế hoạch đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông sản ở nước ngoài.
Hiện có nhiều sản phẩm của chúng ta đã được đăng ký ra nước ngoài theo hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế nhưng với sản phẩm nông sản, đặc sản có uy tín thì việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với số lượng hạn chế. Với chỉ dẫn địa lý, đến nay mới chỉ có một chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc được nộp đơn vào Cộng đồng Châu Âu (gồm 27 nước). Chi phí đối với thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Cộng đồng Châu Âu hầu như không mất phí nhưng thủ tục rất phức tạp. Cục Sở hữu Trí tuệ đã hướng dẫn cũng như hỗ trợ các thủ tục để nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc tại Cộng đồng Châu Âu cách đây 3 năm. Đến nay, về cơ bản chỉ dẫn địa lý này đã hợp lệ về thủ tục và đang chờ kết quả cuối cùng từ Cộng đồng Châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều nước không có thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, ví dụ như Trung Quốc, Hoa Kỳ… Nhưng chúng ta cũng có thể đăng ký theo hình thức khác như nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận thông qua hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid. Thủ tục đăng ký theo hệ thống Madrid tương đối đơn giản và các chi phí đăng ký theo hình thức này cũng không quá lớn (tùy thuộc vào việc đăng ký ở những lãnh thổ nào, ví dụ, đăng ký vào Hoa Kỳ là khoảng 350USD cho một nhóm sản phẩm hoặc một nhóm dịch vụ).
Nhà nước đã có các kênh hỗ trợ nào cho các nhà sản xuất, kinh doanh liên quan đến bảo hộ nông sản, thưa ông?
- Ngoài các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung, Nhà nước đã có Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (Chương trình 68) thực hiện từ năm 2005-2010. Mục tiêu của Chương trình hướng vào phát triển và quản lý các tài sản trí tuệ và chủ yếu là sản phẩm nông sản, thủy sản. Hiện, Chương trình này đang tiếp tục được thực hiện ở giai đoạn 2011-2015 (Chương trình 2024). Mới đây, Cục Sở hữu Trí tuệ cũng đã có thông báo đến Sở Khoa học và Công nghệ của các địa phương để tổng hợp nhu cầu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài và dự kiến sẽ hỗ trợ một phần kinh phí lấy từ Chương trình 2024. Hiện, đã có 51 nhãn hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý của các địa phương có nhu cầu được hỗ trợ cả về chuyên môn và tài chính để đăng ký bảo hộ tại nước ngoài.
Ông có khuyến cáo nào với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh để tránh nguy cơ sản phẩm thương hiệu nổi tiếng của mình bị lấy mất?
- Các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản có uy tín của Việt Nam cần sớm lên kế hoạch để đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý của mình ra nước ngoài. Bảo hộ ở Việt Nam có thể đơn giản, nhanh chóng nhưng ở nước ngoài sẽ rất phức tạp cả về thủ tục cũng như rất tốn kinh phí và thời gian. Một hồ sơ đầy đủ các điều kiện sẽ mất khoảng 1 năm để đăng ký trong nước và nhiều năm nếu đăng ký ở nước ngoài, tùy thuộc vào quy định pháp luật của mỗi nước.
Ngoài ra, các nhà sản xuất, kinh doanh của Việt Nam cũng cần lưu ý có chiến lược bảo hộ các nhãn hiệu sản phẩm mà mình đang sử dụng để xuất khẩu. Đồng thời, nghiên cứu để quyết định đăng ký bảo hộ ở những thị trường tiềm năng.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh (Thực hiện)