Để thực sự tháo gỡ các vướng mắc trong việc thương mại hóa quyền Sở hữu công nghiệp (SHCN), cần một chính sách đồng bộ giữa Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Luật Quản lý Tài sản Nhà nước.
Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Hội SHTT Việt Nam) mới đây đã gửi Báo cáo Việc thực hiện quy định của pháp luật SHTT lên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Trong phần báo cáo về việc thực hiện quy định về giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Hội SHTT Việt Nam nêu rõ, về vấn đề này, Điều 86 Luật SHTT, được quy định chi tiết tại Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký này.
Tuy nhiên, Hội SHTT Việt Nam nhận thấy những quy định trên vẫn tồn tại những hạn chế và bất cập.
Cụ thể, Hội SHTT Việt Nam cho rằng những quy định hiện hành chưa thực sự khuyến khích việc tạo ra, khai thác, phổ biến các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí do nhà nước đầu tư.
Đồng thời, các quy định cũng chưa đáp ứng được định hướng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI số 20-NQ/TW năm 2012 đề ra đó là “giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.
Hội cũng nhận định, việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách còn gặp nhiều khó khăn do cơ quan chủ trì phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính mới được giao quyền sử dụng. Trong khi đó các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cần phải đăng ký xác lập quyền càng sớm càng tốt, tránh trường hợp tổ chức, cá nhân khác cũng tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương tự tiến hành đăng ký bảo hộ trước và quay trở lại ngăn cấm tổ chức, chủ trì và nhà nước sử dụng. Quy định hiện hành về vấn đề này chưa xét đến tính đặc thù của tài sản trí tuệ để có những quy định phù hợp với bản chất của các đối tượng này.
Bên cạnh đó, trong trường hợp tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ thì tổ chức, cơ quan đó cũng không có khả năng thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do cơ quan quản lý nhà nước không có chức năng kinh doanh. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước cũng như vấn đề thương mại hóa rất khó được thực hiện.
Được biết, Sự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 điều với những nội dung cơ bản sau đây:
i) Bổ sung Điều 86a: quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia (do Nhà nước thực hiện đăng ký);
ii) Bổ sung Điều 133a: quy định quyền của Nhà nước đối với các đối tượng này như trao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoặc công bố công khai nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí để người khác không thể đăng ký độc quyền các đối tượng này; đồng thời quy định nhà nước có quyền sử dụng các đối tượng này trong một số trường hợp khẩn cấp hay phục vụ nhu cấp cấp thiết của xã hội, an ninh quốc gia;
iii) Bổ sung Điều 136a: quy định nghĩa vụ của tổ chức chủ trì (thông báo đối tượng mới được tạo ra cho cơ quan có thẩm quyền, nghĩa vụ thực hiện đăng ký xác lập quyền trong thời hạn quy định, báo cáo định kỳ về việc sử dụng);
iv) Sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 139: quy định chủ văn bằng bảo hộ các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu các đối tượng này khi được nhà nước chấp thuận.
Hội nhận thấy, các quy định mới này nếu được thi hành sẽ tạo cơ sở cho tổ chức chủ trì có thể chủ động đăng ký xác lập quyền, khai thác, sử dụng các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, đẩy nhanh hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp (đối với các tổ chức chủ trì là viện nghiên cứu/trường đại học) để thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích, gia tăng giá trị kinh tế.
Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, nguồn thu của ngân sách nhà nước cũng gia tăng từ việc thu thuế từ các hoạt động này. Không chỉ vậy, việc thực thi quy định nói trên còn mang lại cho nhà nước các lợi ích về kinh tế, xã hội khác (thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm).
Ngoài ra, quy định này cũng vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được bảo hộ sở hữu công nghệ có sử dụng ngân sách. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng có quy định tương tự để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Với những nội dung sửa đổi, bổ sung này, Hội SHTT Việt Nam cho biết đơn vị hoàn toàn đồng ý với các phương án được đưa ra, theo đó, giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Điều này phù hợp với thực tiễn thế giới, cũng như phù hợp với thực tế là: chính đơn vị chủ trì là đơn vị hiểu rõ nhất về các đối tượng SHTT được tạo ra khi thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ, và do đó, là đơn vị phù hợp nhất để soạn các tài liệu của đơn cũng như theo đuổi đơn trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ thương mại hóa quyền SHCN, chúng tôi nhận thấy các đơn vị được giao sử dụng ngân sách nhà nước nêu trên đa số đều là các tổ chức, đơn vị nhà nước. Vì vậy, việc thương mại hóa quyền SHCN đối với các đối tượng SHCN vừa nêu còn bị ràng buộc bởi Luật Quản lý Tài sản Nhà nước, và có thể nhu cầu thực sự của các đơn vị/ tổ chức này lại nằm ở các quy định của Luật Quản lý Tài sản Nhà nước, chứ không phải là Luật SHTT. Chính vì vậy, để thực sự tháo gỡ các vướng mắc trong việc thương mại hóa quyền SHCN nêu trên, cần một chính sách đồng bộ giữa Luật SHTT và Luật Quản lý Tài sản Nhà nước.
Vì vậy, Hội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm về mối quan hệ giữa Luật SHTT và Luật Quản lý Tài sản Nhà nước ở góc độ này để ban hành một cơ chế đồng bộ và phù hợp.