Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 22/11/2024 , 05:34 pm
Cập nhật : 27/09/2016 , 22:09(GMT +7)
Cần có cơ chế bảo hộ cho các thương hiệu Việt
NHNT có vai trò quan trọng đối với mỗi DN cũng như nền kinh tế (Ảnh: internet)
Tài sản trí tuệ nói chung và nhãn hiệp nổi tiếng (NHNT) nói riêng có vai trò quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc gia. Do đó, cần có cơ chế bảo hộ thực thi hiệu quả để đảm bảo các quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu nhãn hiệu và các chủ thể liên quan.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Văn Tùng tại Hội thảo “Nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam - Đánh giá nhu cầu thực tiễn và xác định điều kiện bảo hộ” do Thanh tra Bộ KH&CN phối hợp với Hiệp hội Nhãn hiệu hàng hóa quốc tế (INTA) tổ chức ngày 23/9/2016 tại Đà Nẵng.

Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” trong khuôn khổ Bản ghi nhớ được ký kết ngày 24/3/2015 của Bộ KH&CN và INTA về xây dựng, triển khai các hoạt động phối hợp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ đã ban hành hơn 10 năm, trong đó quy định tiêu chí, thẩm quyền về công nhận NHNT. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng những quy định này để công nhận một NHNT thực sự vẫn là thách thức đối với cơ quan chức năng. Đến nay, chưa có bất cứ nhãn hiệu nào được chính thức công nhận đưa vào danh mục các NHNT. Hệ quả là, các chủ sở hữu nhãn hiệu có chất lượng, uy tín, được đông đảo công chúng biết đến vẫn chưa được hưởng những quyền lợi chính đáng pháp luật quy định cho chủ các NHNT để bảo vệ các nhãn hiệu của mình, chống lại các hành vi xâm phạm quyền và cạnh tranh không lành mạnh.

Trong khi chế định pháp lý về NHNT vẫn chưa đi vào cuộc sống, hiện trạng được ghi nhận là có rất nhiều các giải thưởng, danh hiệu “nhãn hiệu nổi tiếng”, “thương hiệu nổi tiếng” mang tính xã hội hoá do các tổ chức, hiệp hội thực hiện được trao cho các nhãn hiệu của doanh nghiệp nhiều khi chưa thực sự “nổi tiếng” và không có giá trị pháp lý. Điều này gây nên sự nhầm lẫn, sai lệch trong nhận thức của cộng đồng.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Bộ KH&CN đã phối hợp với INTA thực hiện Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” nhằm nghiên cứu, đánh giá, thu thập và tổng hợp thông tin, ý kiến từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan, chủ sở hữu nhãn hiệu, các doanh nghiệp và đại diện sở hữu công nghiệp về những vướng mắc trong việc thi hành các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành liên quan tới việc công nhận, bảo hộ và thực thi quyền đối với NHNT; hình thành hệ thống căn cứ lý luận và thực tiễn cho những đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật Việt Nam hiện hành về NHNT, góp phần tháo gỡ những vướng mắc thực tiễn và nâng cao hiệu quả bảo hộ và thực thi quyền đối với NHNT tại Việt Nam.

Hội thảo thu hút đông đảo chuyên gia, luật sư trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp trong và ngoài nước,… tham dự. (Ảnh Nguyễn Hạnh)

Dự án “Nhãn hiệu nổi tiếng” được triển khai tại Việt Nam từ năm 2015 đến năm 2017 với ba nhóm hoạt động chính: Giai đoạn 1 là hoạt động nghiên cứu do các nghiên cứu viên độc lập tiến hành. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, căn cứ pháp lý, thực tiễn đánh giá, công nhận NHNT, đang sử dụng rộng rãi trong và ngoài nước, các nghiên cứu viên đề xuất tiêu chí xác định NHNT, sử dụng rộng rãi tại Việt Nam. 

Với giai đoạn 2, Ban điều phối Dự án tổ chức các hội thảo, hội nghị và hoạt động truyền thông trên cơ sở báo cáo nghiên cứu ban đầu của các nghiên cứu viên độc lập nhằm đánh giá lại các tiêu chí và nhãn hiệu được coi là nổi tiếng, đang sử dụng rộng rãi do các nghiên cứu viên đưa ra. Các thành viên tham gia dự án, đặc biệt là các chủ sở hữu nhãn hiệu đã được các nghiên cứu viên độc lập nghiên cứu, xác định là NHNT, đang sử dụng rộng rãi có cơ hội trình bày tại các hội thảo, hội nghị về nhãn hiệu đã tham gia nghiên cứu. Hội thảo, hội nghị có sự tham gia của các cơ quan chức năng về bảo hộ, thực thi quyền SHTT trong nước như Toà án, Cục Sở hữu trí tuệ, cùng rất nhiều luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp và doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia quốc tế đến từ INTA, WIPO. Giai đoạn 3, Dự án tập trung vào hoạt động đào tạo, khảo sát thực tiễn nước ngoài về áp dụng pháp luật NHNT. 

Dự án có sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN (Thanh tra Bộ KH&CN, Cục SHTT), một số cơ quan bảo hộ và thực thi quyền SHTT (Cục cảnh sát kinh tế, Bộ Công an; Cục quản lý thị trường, Bộ Công thương; Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng cục hải quan), một số thành viên INTA (nhóm “Task force”), các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (như Tập đoàn BMW, Nike Việt Nam, Inter Ikea, Công ty CP sữa Vinamilk, Vinacafe, Công ty CP Tập đoàn Minh Phú), các đại diện sở hữu công nghiệp, văn phòng, công ty luật.

Quỳnh Chi

 

 


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner