Từ trước năm 2012, các hình thức để giải quyết tranh chấp tên miền được quy định và hướng dẫn xử lý theo Thông tư 10/2008/TT-BTTTT bao gồm các hình thức: Thương lượng- hòa giải; Trọng tài và khởi kiện dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử ở Việt Nam cho thấy, hầu hết các tranh chấp được xử lý thông qua con đường hành chính do biện pháp này có những đặc điểm ưu việt như thời gian thụ lý nhanh, chi phí thấp và các vấn đề thường được giải quyết nhanh gọn và có tính cưỡng chế.
Bài 1: Các biện pháp xử lý tranh chấp tên miền tại Việt Nam
Ngày 27/12/2011 Bộ KH&CN ban hành Thông tư 37/2011/TT-BKHCN trong đó việc xử lý hành hính tranh chấp tên miền trên căn cứ “Hành vi cạnh tranh không lành mạnh” là một biện pháp xử lý mới, có thể sẽ trở thành một biện pháp được áp dụng phổ biến cho các tranh chấp tên miền.
Căn cứ pháp lý
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Canh tranh 2004 là “hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”.
Tại điểm d Khoản 1 Điều 130 Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) 2005, hành vi cạnh tranh không lành mạnh được cụ thể hóa trong hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý tương ứng. Theo đó, hành vi đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp tại Việt Nam (trừ tên miền đã được phân bổ thông qua hình thức đấu giá hoặc thi tuyển theo quy định) sẽ bao gồm những hành vi sau đây:
Một là: hành vi sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”có chứa phần chữ trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ và được sử dụng để quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, bán hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan trên trang thông tin điện tử mà địa chỉ tên miền đó dẫn tới; gây nhầm lẫn và làm thiệt hại đến uy tín hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đó;
Hai là: hành vi đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” có chứa phần chữ trùng với nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý có uy tín, danh tiếng tại Việt Nam nhưng trên một năm tên miền đó chưa đưa vào sử dụng cho hoạt động cụ thể và có căn cứ chứng minh tổ chức, cá nhân chỉ đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đó đăng ký tên miền.
Khi một chủ thể muốn yêu cầu xử lý hành vi đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp, chủ thể sẽ phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh một trong các vấn đề sau:
Thứ nhất: Chủ thể quyền đã sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại một cách rộng rãi, ổn định được người tiêu dùng tại Việt Nam biết đến uy tín, danh tiếng của chủ thể quyền SHCN và hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đó. Ví dụ các thông tin về quảng cáo, tiếp thị, trưng bày triển lãm, doanh thu bán hàng...
Thứ hai: Bên bị yêu cầu xử lý đã sử dụng tên miền trên mạng internet để quáng cáo, giới thiệu sản phẩm, chào hàng, dịch vụ trùng, tương tự hoặc có liên quan làm thiệt hại uy tín, danh tiếng hoặc vật chất đối với chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ. Bên bị yêu cầu xử lý tiếp tục sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn thông qua tên miền đó mặc dù đã được chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại hoặc chỉ dẫn địa lý thông báo và thỏa thuận với các điều kiện hợp lý nhưng không được chấp thuận;
Thứ ba: Bên bị yêu cầu xử lý đã đăng ký nhưng quá một năm vẫn chưa đưa vào hoạt động tên miền có chứa phần chữ trùng với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được sử dụng rộng rãi và có uy tín tại Việt Nam và có căn cứ chứng minh bên bị yêu cầu xử lý chỉ đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng tên miền nhằm bán lại để kiếm lời hoặc cản trở chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ đó đăng ký tên miền, mặc dù đã được chủ thể quyền SHCN thông báo và thỏa thuận với các điều kiện hợp lý nhưng không được chấp thuận.
Thứ tư: Bên bị yêu cầu xử lý không có quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại đã được bảo hộ của chủ thể quyền.
Trình tự xử lý vi phạm
Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến tên miền, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể yêu cầu bên bị yêu cầu xử lý cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ giải trình theo quy định hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra xác minh, thu thập chứng cứ. Trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm đưa ra một trong các văn bản sau đây:
Văn bản kết luận về việc tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng; và việc đăng ký chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền đó bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh về SHCN hay không;
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền trong đó có áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền vi phạm.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra văn bản kết luận về việc tên miền vi phạm, cơ quan có thẩm quyền gửi văn bản kết luận đó cho chủ thể quyền, bên vi phạm và tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận, thương lượng trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày nhận được văn bản kết luận này.
Trường hợp các bên đã đạt được thỏa thuận và đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp với quy định pháp luật SHTT, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên thứ ba, người tiêu dùng và xã hội thì cơ quan có thẩm quyền ra văn bản thông báo ghi nhận thỏa thuận đó và dừng giải quyết vụ việc.
Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận trong thời hạn quy định thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc thu hồi tên miền vi phạm” thì sau một năm, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính hặc quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực thi hành, nếu bên phải thi hành không tự nguyện thi hành, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm gửi văn bản đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam thực hiện việc thu hồi tên miền. Trình tự, thủ tục thu hồi tên miền được thự hiện theo quy định của pháp luật.