Tỉnh Bình Định vừa tổ chức lễ công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp cho 53 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh rượu.
Trong số đó có 37 hộ trực tiếp sản xuất loại rượu nổi tiếng này. Đây là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu đã gia nhập hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá, Bình Định.
Nhiều gia đình nấu rượu Bàu Đá ở làng nghề truyền thống Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn) cho rằng đây là một “thắng lợi” sau gần 10 năm tranh chấp thương hiệu rượu Bàu Đá giữa tỉnh Bình Định và công ty TNHH thực phẩm Minh Anh, Đà Nẵng (công ty Minh Anh).
Năm 2001, công ty Minh Anh đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu rượu Bàu Đá. Sau khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu rượu Bàu Đá, công ty này độc quyền kinh doanh sản phẩm rượu đóng chai mang nhãn hiệu rượu Bàu Đá và yêu cầu ngành chức năng không cho phép các loại rượu khác mang nhãn hiệu “rượu Bàu Đá” bán ra thị trường. Suốt nhiều năm liền, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định liên tục khiếu kiện yêu cầu trả lại thương hiệu rượu Bàu Đá cho tỉnh Bình Định nhưng không được.
Hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định (thành lập, tháng 8-2007) đã làm hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “rượu Bàu Đá”. Nhiều năm liền, Cục Sở hữu trí tuệ, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương ở Bình Định và công ty Minh Anh hiệp thương giải quyết nhưng không có kết quả. Do vậy, tháng 6- 2010, Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu ngành chức năng tỉnh Bình Định bổ sung vào mẫu nhãn hiệu đăng ký “rượu Bàu Đá” sự khác biệt với nhãn hiệu của công ty Minh Anh là logo kèm chữ “BD Rượu Bàu Đá”.
Như vậy, từ nay, trên thị trường có 2 nhãn hiệu rượu Bàu Đá, đó là nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” Bình Định và Nhãn hiệu “Rượu Bầu Đá” của Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh - Đà Nẵng
Q. Hoa