Việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nông sản là cần thiết và phải làm nhưng nó chỉ là một bước rất nhỏ trong quá trình xây dựng thương hiệu. Thế nên có đăng ký mà không quan tâm đến chất lượng, quảng bá thương hiệu, xây dựng hình ảnh… thì thương hiệu đó cũng vô giá trị.
Đây là khẳng định của nhiều đại biểu tại hội thảo: “Các nhà khoa học với việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam” do Liên hiệp hội các Hội KH&KT Việt Nam (Vusta), CLB báo chí Vusta và CLB nhà báo KH&CN tổ chức ngày 8/11.
Mất thương hiệu ngay tại nơi xuất xứ hàng hoá
Có một thực tế, hiện nay, khá nhiều người được hưởng lợi từ việc lợi dụng thương hiệu nông sản nổi tiếng. Câu chuyện của TS Phạm Văn Tân, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam đưa ra tại hội thảo là một ví dụ. Ông cho biết, khi còn làm giám đốc sở KHCN Thái Nguyên, ông đã chứng kiến việc người dân biến thành vải Thái Nguyên thành vải Thanh Hà và đưa về Thanh Hà bán với giá cao. Không chỉ có vậy, khi sang đất Quảng Đông, ông có chứng kiến vải mang thương hiệu Thanh Hà ngập tràn ở đây. Hỏi ra, dân Trung Quốc thấy trồng vải có lãi cao, nhất là vải Thanh Hà nên đã đua nhau trồng bán.
Ông Nguyễn Ngọc Loãn, Phó chủ tịch huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cũng thừa nhận, vải Thanh Hà đã bị làm nhái và bán ngay tại địa phương mà chính quyền gần như không thể kiểm soát nổi. Để chỉ dẫn địa lý “'Thanh Hà'' thực sự đem lại giá trị tài sản cho quả vải Thanh Hà còn rất nhiều cái khó.
Cái khó đầu tiên phải kể đến đó là ý thức của người dân. Hiện tại, mặc dù đã hình thành Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, nhưng cũng ít được người dân quan tâm. Do vậy mặc dù thành lập được gần 4 năm đến nay mới có 350 hội viên và quản lý 49 ha vải trên hơn 5000ha vải thiều của huyện; các hoạt động quảng bá tuyên truyền cho thương hiệu này hầu như của các cấp các ngành trong tỉnh và một số tổ chức nước ngoài tài trợ; thậm chí khi Nhãn hiệu, lô gô gắn liền với chỉ dẫn địa lý Thanh Hà là dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết phân biệt đã được bảo hộ nhưng chính những thành viên trong hiệp hội không phải ai cũng gắn lên sản phẩm để cho người tiêu thụ nhận biết.
Câu chuyện vải Thanh Hà chỉ là một trong nhiều ví dụ của việc vướng trong việc bảo hộ thương hiệu nông sản. TS Trần Việt Hùng, Phó chủ tịch Vusta cho biết, sản lượng nông sản Việt Nam tuy lớn nhưng lại gặp khó khăn khi tiếp cận đến người tiêu dùng nước ngoài và thậm chí cả người trong nước. Dường như không mấy ai quan tâm rằng thương hiệu nông sản Việt Nam lại đang bị “tấn công” mãnh liệt ngay khi chưa được hình thành. Sự tấn công này nguy hiểm cho nhiều đối tượng, như nông sản và người tiêu dùng nông sản.
Đã có nhiều bài học nhãn tiền về việc mất thương hiệu như gần đây nhất là vụ thương hiệu caphe Buôn Mê Thuột, nước mắm Phú Quốc….
Đăng ký bảo hộ thương hiệu mới chỉ là bước đầu
Trước kiến nghị bảo vệ thương hiệu nông sản cần “bàn tay” của Nhà nước mà nhiều đại biểu tham gia hội thảo đưa ra, ông Nguyễn Văn Bảy, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) nhấn mạnh, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu là cần thiết nhưng việc làm sao để thương hiệu đứng vững và phát huy hiệu quả kinh tế xã hội mới quan trọng hơn. “Đừng đăng ký bảo hộ theo phong trào”- ông Bảy nhấn mạnh.
Vusta sẽ thành lập Văn phòng tư vấn bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá
Kết luận tại hội thảo, TS Trần Việt Hùng khẳng định, cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan chức năng mới đảm bảo duy trì và đứng vững của một thương hiệu. Bên cạnh đó, cần nâng cao truyền thông cho người dân và cả cấp quản lý để xã hội hiểu hơn về vai trò, tác dụng của việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý… Ông cũng đề xuất, Vusta sẽ thành lập Văn phòng tư vấn bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá.
|
Quan điểm này cũng được TS Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đồng tình khi nhấn mạnh, thương hiệu của một sản phẩm không đơn giản là một nhãn hiệu hay một chỉ dẫn địa lý dùng cho sản phẩm đó. Thương hiệu sản phẩm còn là tất cả những gì mà doanh nghiệp đạt được (danh tiếng, uy tín, thị trường, sản phẩm) trong cả quá trình xây dựng thương hiệu lâu dài.
TS Minh cũng thừa nhận, đối với thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam, chúng ta mới đặt được nền móng ban đầu, mới đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm này. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu thực chất chưa làm được nhiều.
Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, điều đầu tiên là phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho nông sản đó. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ chỉ là cơ sở, là điều kiện ban đầu để thương hiệu nông sản được xây dựng và phát triển thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh thương mại sản phẩm, thị trường …
Thương hiệu không chỉ đơn giản là một nhãn hiệu, một chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ. Thương hiệu phải được hiểu rộng hơn thế.
Điều này cũng được TS Đỗ Gia Phan, Hội Bảo vệ người tiêu dùng nhấn mạnh: Thương hiệu sống được trong tâm trí người tiêu dùng mới là điều quan trọng. Chính vì vậy, bảo hộ thương hiệu sản phẩm chỉ là bước đầu của quá trình xây dựng một thương hiệu có uy tín.
Liên Cơ