Thời gian gần đây, nhiều nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (NH, CDÐL dùng cho nông sản nổi tiếng của nước ta như cà-phê Buôn Ma Thuột (Ðác Lắc), nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng và đăng ký bảo hộ.
Trách nhiệm này thuộc về ai và làm thế nào để lấy lại được NH, CDÐL đó? Các giải pháp chủ động bảo vệ NH, CDÐL nhằm mục đích không để tái diễn tình trạng nói trên? Ðể tìm hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn đồng chí TẠ QUANG MINH, Cục trưởng Sở hữu trí tuệ (SHTT) (Bộ Khoa học và Công nghệ). Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Phóng viên: Ðồng chí cho biết vì sao có tình trạng ngày càng có nhiều NH, CDÐL dùng cho nông sản Việt Nam bị các doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng?
Ðồng chí Cục trưởng SHTT: Theo thống kê, chúng ta có khoảng 800 sản phẩm nông sản nổi tiếng ở hầu hết các địa phương. Ðến nay, đã có 59 nhãn hiệu tập thể, 12 nhãn hiệu chứng nhận và 24 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ cho các sản phẩm nông sản nổi tiếng. Hiện có, 53 sản phẩm nông sản được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ. Như vậy, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của việc xây dựng thương hiệu dùng cho nông sản nổi tiếng, mới đặt cơ sở, nền móng, điều kiện ban đầu: đó là các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký bảo hộ.
Xét từ khía cạnh kinh tế, nông sản Việt Nam, nhất là các nông sản đặc sản luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng và đánh giá cao nhờ chất lượng cũng như những tính chất đặc thù riêng có của mỗi loại sản phẩm. Do đó, khả năng tiêu thụ sản phẩm này trên thị trường là rất lớn, đặc biệt là ở thị trường nước ngoài. Trong khi đó, giá bán sản phẩm ở Việt Nam thường không cao, người nông dân chủ yếu bán dưới dạng sản phẩm thô. Khi được gắn nhãn hiệu, bao bì một cách chuyên nghiệp, giá bán sản phẩm có thể cao hơn hàng chục lần so với giá mua từ người nông dân. Ðiều này mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhìn từ khía cạnh sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa quan tâm đúng mức tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho nông sản, chưa nói đến việc đăng ký ở nước ngoài. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở Việt Nam cũng chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm. Theo số liệu thống kê từ cơ sở dữ liệu của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), số lượng nhãn hiệu của Việt Nam được đăng ký quốc tế theo hệ thống Madrid là rất nhỏ so với các nước trong khu vực. Ðây chính là kẽ hở để doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sử dụng cho nông sản Việt Nam để đăng ký bảo hộ ở nước ngoài. Ngay cả khi nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý đã được đăng ký ở nước ngoài rồi, doanh nghiệp Việt Nam cũng không biết. Chẳng hạn như trường hợp địa danh "Buôn Ma Thuột" bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký tại Trung Quốc cũng là do một công ty tư vấn sở hữu công nghiệp phát hiện ra.
Ngoài ra, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế thế giới diễn ra mạnh mẽ giúp cho nông sản Việt Nam được biết đến nhiều hơn ở nước ngoài, cũng là một trong những nhân tố khiến cho ngày càng nhiều nhãn hiệu nông sản của Việt Nam bị chiếm dụng đăng ký ở nước ngoài.
Phóng viên: Vì đây là nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của một tỉnh, một vùng, không phải của một doanh nghiệp, vậy đơn vị nào có trách nhiệm đi đòi lại và đòi bằng cách nào?
Ðồng chí Cục trưởng SHTT: Ðịa danh "Buôn Ma Thuột" được đăng ký bảo hộ cho sản phẩm cà-phê dưới hình thức chỉ dẫn địa lý (trước đây gọi là xuất xứ hàng hóa). Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý là tài sản thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. UBND tỉnh Ðác Lắc được giao chức năng là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý, có nhiệm vụ tổ chức quản lý và kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý trên thực tế. Các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh cà-phê trên địa bàn tỉnh Ðác Lắc nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo Quy chế quản lý chỉ dẫn địa lý thì được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Như vậy, có thể nói, việc bị mất NH, CDÐL gây thiệt hại chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà-phê tại Ðác Lắc chứ không chỉ riêng một doanh nghiệp đơn lẻ nào.
Trước tình trạng địa danh "Buôn Ma Thuột" được đăng ký bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tại Trung Quốc, dưới tên một doanh nghiệp Trung Quốc, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ðác Lắc với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ ở địa phương đã đề nghị Cục SHTT hỗ trợ, tư vấn về chuyên môn cũng như liên hệ làm việc với các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để tiến hành các thủ tục xử lý.
Về phía mình, Cục SHTT đã nghiên cứu cụ thể các phương án để tư vấn, hỗ trợ cho tỉnh Ðác Lắc giải quyết vụ việc một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất nhằm bảo vệ quyền lợi địa phương.
Phóng viên: Từ thực tế nói trên, đồng chí cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các NH, CDÐL nổi tiếng bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng, trong thời gian tới doanh nghiệp và các cấp có liên quan cần phải chủ động làm những việc gì?
Ðồng chí Cục trưởng SHTT: Ðể hạn chế hiện tượng bị đăng ký mất quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu nói riêng và các đối tượng sở hữu trí tuệ nói chung, vấn đề đầu tiên là bản thân các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trong việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở nước ngoài. Việc đăng ký bảo hộ nên được tiến hành càng sớm càng tốt, ngay khi doanh nghiệp có ý định triển khai hoạt động kinh doanh tại thị trường nước ngoài.
Trong thời gian tới, Cục SHTT với tư cách là Cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và sự quan tâm của doanh nghiệp đối với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, cục cũng sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực, trực tiếp cho các doanh nghiệp, địa phương lựa chọn và tiến hành đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ gắn với địa danh dùng cho các đặc sản có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường nước ngoài (thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ nhằm tránh tình trạng các đối tượng này bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nói riêng và ảnh hưởng không tốt tới uy tín, hình ảnh của nông sản Việt Nam nói chung.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí.