Tỉnh Yên Bái đã phê duyệt dự án đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Suối Giàng; hoàn thiện hồ sơ để đăng ký cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; thực hiện đề án bảo tồn và phát triển bền vững vùng chè cổ Suối Giàng giai đoạn 2012-2015..., nhằm từng bước đưa sản phẩm chè Shan Tuyết đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO 22000) trong thời gian sớm nhất.
Giá chè búp tươi ở xã Suối Giàng huyện Văn Chấn (Yên Bái) hiện đang ở mức từ 16.000 đồng đến 20.000 đồng/kg. Tính ra mỗi kg chè người dân mua được gần 3kg thóc, vì vậy người Mông Suối Giàng rất phấn khởi.
Với mức giá này không chỉ người trồng chè trong xã phấn khởi mà các doanh nghiệp chế biến cũng được hưởng lợi khi giá chè lên cao. Đây chính là niềm mơ ước của cả người trồng và chế biến chè, bởi chè Suối Giàng đang từng bước khẳng định được thương hiệu.
Chè Suối Giàng là sản phẩm tự nhiên của vùng cao. Người trồng chè không phải bón phân, dùng thuốc trừ sâu hay thuốc kích thích để tăng sản lượng chè. Ngược lại nếu chăm sóc cây chè Suối Giàng như các loài chè trung du khác cây chè sẽ không tồn tại được.
Mặc dù chè Suối Giàng là đặc sản quý, nhưng những năm trước đây do việc quản lý không chặt chẽ nên đã xảy ra tình trạng một số tổ chức, cá nhân đã pha trộn chè Suối Giàng với các loại chè khác để kiếm lời nên làm mất uy tín của chè đặc sản này.
Để bảo vệ và phát triển vùng chè đặc sản này, đầu tháng 5 vừa rồi, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố và đón nhận giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm chè của xã Suối Giàng.
Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống văn bản pháp lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu Suối Giàng-Yên Bái từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm.
Việc được cấp giấy chứng nhận sẽ giúp thương hiệu chè Suối Giàng-Yên Bái lấy lại uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh chè Suối Giàng. Đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Việc quản lý sản xuất, chế biến chè đã được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm về chất lượng, chính xác về nguồn gốc và được pháp luật bảo vệ. Hiện tại người dân Suối Giàng đã thu hái chè theo yêu cầu kỹ thuật đề ra; các doanh nghiệp chế biến chè được cấp giấy phép với nhãn mác được bảo hộ.
Đặc biệt, tỉnh Yên Bái có chủ trương không cấp thêm giấy phép cho các các doanh nghiệp chế biến chè Suối Giàng và yêu cầu các doanh nghiệp hiện có phải đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại để chế biến chè.
Huyện Văn Chấn cùng các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp vị phạm bao bì mang thương hiệu chè Suối Giàng mà không có nhãn mắc bảo hộ. Chính vì thế mà sản phẩm chè Suối Giàng đã trở lại đúng với giá trị thực của nó.
Bà Lâm Thị Kim Thoa, Chủ nhiệm Hợp tác xã chế biến chè Suối Giàng cho biết: Nhờ quản lý tốt từ khâu thu hái đến khâu bảo quản và lưu thông trên thị trường nên giá chè búp Suối Giàng hiện khá cao, trung bình từ 300.000 đồng đến 600.000đồng/kg chè búp khô, cá biệt có loại bán tới 2 triệu đồng/kg.
Xã Suối Giàng có gần 410ha chè, trong đó chè cổ thụ có gần 80.000 gốc, trung bình một năm, toàn xã thu hái được khoảng 500 tấn chè búp tươi. Giá bán bình quân khoảng 300.000-400.000 đồng/kg chè khô, có loại lên đến 1,2 triệu đồng/kg, thậm chí lên đến 2 triệu đồng/kg.
Hiện nay, tổng công suất của các cơ sở chế biến chè Suối Giàng đã cao hơn sản lượng chè hiện có nên Yên Bái chủ trương không mở rộng thêm các cơ sở chế biến ở giai đoạn này là hoàn toàn phù hợp với việc giữ gìn và phát triển vùng chè đặc sản này./.