Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 22/11/2024 , 11:12 am
Cập nhật : 04/10/2017 , 09:10(GMT +7)
Bảo hộ SHTT: Tạo môi trường cạnh tranh, thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT
Thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) sẽ chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền, tăng năng suất xử lý đơn nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi hơn nữa cho người nôp đơn. Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) trao đổi với phóng viên bên lề Phiên họp lần thư 57 Đại hội đồng WIPO diễn ra tại Geneva (Thụy Sỹ) ngày 2/10.

Phóng viên: Xin ông cho biết một số thông tin chung về Phiên họp Đại hội đồng WIPO năm nay?

Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT: Đại hội đồng WIPO là sự kiện quan trọng nhất của WIPO trong năm, là diễn đàn để các nước thành viên WIPO trao đổi, thảo luận và đưa ra các quyết định đối với các hoạt động của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), cũng như định hướng phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ toàn cầu.

Cụ thể, Đại hội đồng WIPO năm nay sẽ tập trung xem xét để thông qua các báo cáo hoạt động trong năm qua của các Hội đồng trực thuộc và Ủy ban chuyên môn của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid. Ngoài ra, các nước thành viên cũng sẽ xem xét để thông qua việc sửa đổi một số Quy chế nhằm nâng cao tính minh bạch trong cơ chế quản trị và hoạt động của WIPO.

Ông có thể cho biết thêm về các hoạt động của Đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng WIPO năm nay?

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp Đại hội đồng WIPO năm nay gồm có đại điện của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Bản quyền tác giả (Bộ VN,TT&DL) do ông Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm Trường đoàn. Theo kế hoạch làm việc, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia vào tất cả các nội dung quan trọng của Phiên họp Đại hội đồng WIPO.  Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng  đã có bài phát biểu chào mừng tại Phiên khai mạc vào ngày 02/10/2017.

Có thể nói một trong các sự kiện quan trọng nhất đối với Đoàn Việt Nam năm nay là việc Đại sứ Dương Chí Dũng - Trưởng Phái đoàn thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva được bầu làm Chủ tịch Đại hội đồng WIPO. Có thể nói đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đối với Việt Nam, thể hiện sự tích cực, chủ động và uy tín của Việt Nam trong WIPO.

Đoàn Việt Nam đã phối hợp với Đoàn các nước ASEAN tổ chức Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN bên lề Phiên họp. Đây là một hoạt động tập thể mà Việt Nam và ASEAN đã chuẩn bị từ lâu. Theo đó, ngoài các hoạt động lễ tân chính thức với sự tham dự của Tổng Giám đốc WIPO, Đại sứ các nước ASEAN và các Đoàn tham dự Đại hội đồng tổ chức các hoạt động, triển lãm về SHTT - đổi mới sáng tạo – phát triển, biểu diễn văn nghệ và giới thiệu ẩm thực của các nước trong khu vực với bạn bè quốc tế.

Toàn cảnh cuộc họp Đại hội đồng WIPO lần thứ 57.

Đoàn Việt Nam cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ song phương với Tổng Giám đốc WIPO, một số đơn vị chức năng của WIPO và Đoàn một số nước như Cơ quan Sáng chế châu Âu, Viện Sở hữu công nghiệp Pháp, Cơ quan SHTT Vương quốc Anh, Cơ quan SHTT Úc, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản, Cơ quan SHTT Liên minh châu Âu (EUIPO) để thảo luận về nội dung, kế hoạch hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan SHTT các nước đó.

Được biết, WIPO là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Xin ông cho biết một số nội dung trong tâm trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và WIPO hiện nay?

WIPO là một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Điều này được khẳng định thông qua các chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Giám đốc WIPO vào các năm 2010 và tháng 03/2017.

Trong giai đoạn 2018-2019, WIPO tiếp tục chú trọng vào việc duy trì và phát triển các hệ thống đăng ký quốc tế sở hữu công, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường thuận lợi cho người sử dụng trên phạm vi toàn cầu, đơn giản hóa thủ tục, tăng năng suất xử lý đơn. Đây cũng là định hướng phát triển sở hữu trí tuệ của Việt Nam, trong bối cảnh mà ngày càng có nhiều nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Những lĩnh vực mà hai Bên sẽ tập trung hợp tác bao gồm: xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia, hỗ trợ Việt Nam gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, hiện đại hóa hệ thống CNTT nhằm nâng cao năng lực quản trị và đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại Cục SHTT, tạo điều kiện để cán bộ của Cục SHTT thực tập dài hạn ở WIPO, và hỗ trợ Việt Nam tham gia một số dự án thuộc Chương trình Phát triển WIPO như Dự án “Trục xoay và Nan hoa”, Dự án “Kiểm toán về nguồn lực và quản lý của Cơ quan SHTT”,  v.v.

Ông đã từng nói, một trong những định hướng phát triển của Cục SHTT Việt Nam là ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục, tăng năng suất xử lý đơn, nhưnghiện nay việc xử lý đơn tại Cục SHTT vẫn chậm trongkhi số lượng đơn SHCN ngày càng gia tăng…Cục SHTT Việt Nam sẽ giải quyết tình trạng này như thế nào?

Phải thừa nhận rằng dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHCN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Tình trạng đơn quá hạn nhiều năm nay vẫn chưa được khắc phục, đặc biệt là đơn đăng ký sáng chế. Trong khi đó, tốc độ gia tăng đơn đăng ký SHCN vẫn tiếp tục và khoảng 10%/năm.

Để xử lý tình trạng trên, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục rà soát quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền SHCN nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình xử lý đơn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xử lý đơn; xây dựng định mức lao động và đơn giá áp dụng trong công tác thẩm định đơn; thành lập bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ công tác thẩm định đơn SHCN.

Cục cũng sẽ đầu tư để phát triển ứng dụng CNTT, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu và công cụ tra cứu, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và bổ sung nhân lực thẩm định viên. Tích cực tham gia các cơ chế chia sẻ kết quả trong xử lý đơn như Cơ chế thẩm định đơn nhanh (PPH), Chương trình Hợp tác thẩm định đơn sáng chế ASEAN (ASPEC), tăng cường sử dụng kết quả tra cứu và thẩm định của nước ngoài và quốc tế đối với đơn sáng chế; hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học trong thẩm định đơn đăng ký sáng chế, v.v..

Trong các giải pháp nêu trên thì giải pháp ứng dụng CNTT là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh tăng cường trang thiết bị hạ tầng về CNTT, Cục sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của WIPO và các đối tác quốc tế nhằm hiện đại hóa hệ thống quản trị đơn sở hữu công nghiệp tại Cục.

Hiện nay thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trước bối cảnh đó, Cục SHTT Việt Nam đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón nhận những cơ hội và thách thức?

Quyền SHTT từ lâu đã được khẳng định là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi khi cuộc cách mạng công nghiệp xảy đến, lại có bước phát triển mạnh mẽ về quyền SHTT do nhu cầu nội tại về sự phát triển kinh tế -xã hội dựa trên thành tựu mới về khoa học và công nghệ.

Hiện nay, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang định hình. Cuộc cách mạng này được tạo thành bởi sự hội tụ của các công nghệ mới như cơ sở dữ liệu lớn, kết nối vạn vật (Internet of Things), trí tuệ thông minh nhân tạo, v.v. Đây là môi trường đòi hỏi khách quan đối với sự phát triển ở một tầm cao mới của quyền SHTT. Quyền SHTT sẽ trở thành công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của công nghệ đối với các chủ thể khiến mọi tổ chức, doanh nghiệp phải tìm mọi cách tạo ra, nắm và sở hữu loại tài sản trí tuệ này.

Tuy vậy, cũng cần lưu ý đến những thách thức đặt ra đối với một nước đang phát triển như Việt Nam từ góc độ quyền SHTT, đặc biệt là những mặt tiêu cực như chi phí cao trong sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ, khó khăn trong tiếp cận hệ thống SHTT.

Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai xây dựng Chiến lược SHTT quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó việc xây dựng và phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được tính đến làm sao để phát huy được tiềm năng và giá trị của tài sản trí tuệ phục vụ sự phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo và kinh tế - xã hội của nước nhà.

Xin cảm ơn ông!

Với mong muốn sử dụng sở hữu trí tuệ để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã phát triển hệ thống pháp lý đầy đủ về sở hữu trí tuệ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, để thiết lập, tăng cường và sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ, từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thúc đẩy thương mại và đầu tư.

Bài, ảnh: PV



Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner