Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ bảy, 23/11/2024 , 07:23 pm
Cập nhật : 18/12/2019 , 15:12(GMT +7)
Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài
Xoài Cao Lãnh từ lâu đã là một thương hiệu quen thuộc, uy tín đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, được minh chứng cụ thể qua câu ca dao “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh”.

Cục Sở hữu trí tuệ đã quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00078 cho sản phẩm xoài Cao Lãnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.

Xoài Cao Lãnh nổi tiếng bởi xoài cát chu và xoài cát. Xoài cát chu (tên khoa học là Mangifera indica L) là giống xoài truyền thống tại Đồng Tháp từ bao đời nay. Quả xoài cát chu Cao Lãnh ngắn, tròn mình, hơi chu ra ở phần đuôi quả. Thịt quả xoài cát chu Cao Lãnh dày, độ chắc thịt cao, thịt quả mịn, hơi dai và ít xơ, vị quả ngọt dịu pha lẫn với vị hơi chua, mùi thơm dịu đặc trưng. Đặc điểm cảm quan của xoài cát chu Cao Lãnh được cụ thể qua các chỉ tiêu chất lượng: chiều cao quả từ 105 - 135mm, quả có đường kính từ 70 - 90mm, vỏ quả dày từ 0,8 - 1,4mm, trọng lượng quả từ 280 - 455g, tỷ lệ thịt quả từ 75 - 85%, quả có độ Brix từ 14 - 18%, độ Axit từ 0,1 - 0,3%, tỉ số Brix/Axit từ 80 - 120, tỉ lệ chất xơ từ 0,4 -  0,6%, hàm lượng Axit Ascorbic (vitamin C) từ 100 - 150mg/kg.
 
So với xoài cát chu Cao Lãnh, quả xoài cát Cao Lãnh có hình dáng thuôn dài. Quả tròn mình, eo rốn rõ, đỉnh nhọn, bầu tròn gần cuống, vỏ quả mỏng và khi chín có màu vàng tươi, bề mặt vỏ phủ lớp phấn trắng mịn, có những đốm nhỏ li ti màu nâu, thịt quả khi chín có màu vàng tươi, thịt quả dày, độ chắc thịt cao, mịn, dẻo, ít nước, ít xơ, vị quả ngọt đậm, mùi thơm dịu đặc trưng.
 
Xoài cát trồng tại Cao Lãnh thực chất là giống xoài cát ở Hòa Lộc, Tiền Giang. Vào khoảng thập niên 60 của thế kỉ XX, với vị trí địa lý tiếp giáp với huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, giống xoài cát ở Hòa Lộc được người nông dân Cao Lãnh mang về canh tác tại địa phương và ngày càng được nhân rộng. 

Xoài cát Cao Lãnh có chiều cao quả từ 120 - 162mm, đường kính quả từ 75 - 92mm, vỏ quả dày từ 0,8 - 1,3mm, quả có trọng lượng từ 365 - 580g, tỉ lệ thịt quả 75 - 87%, độ Brix từ 17 - 22%, độ Axit từ 0,02 - 0,4%, tỉ số Brix/Axit từ 150 - 200, tỉ lệ chất xơ từ 0,5 - 0,7%, hàm lượng Axit Ascorbic từ 200 - 350mg/kg.
Tính chất, chất lượng đặc thù của xoài Cao Lãnh nêu trên có được là do mối quan hệ giữa điều kiện địa lý tự nhiên và kỹ thuật canh tác của các nhà vườn tại Cao Lãnh.Cao Lãnh còn có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, nhiều ao, hồ lớn, đây cũng là điều kiện vô cùng thuận lợi cho việc tưới tiêu. Đặc biệt, sự có mặt của sông Tiền, một con sông lớn của đồng bằng Sông Cửu Long đã tạo cho khu vực địa lý một tiểu khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp với cây xoài. 
 
Vùng trồng xoài Cao Lãnh có địa hình thấp nên đất dễ bị ngập úng trong mùa mưa. Ngoài ra, do phân bố lượng mưa không đều trong năm nên đất dễ bị thiếu nước vào mùa khô. Vì vậy, khi thiết lập vườn xoài, việc đầu tiên mà các nhà vườn tại Cao Lãnh làm là tiến hành xẻ mương, lên liếp, thiết lập đê bao. Đây là kỹ thuật canh tác truyền thống của người dân tại Cao Lãnh. Kỹ thuật này sẽ giúp nâng cao tầng đất mặt, tránh ngập úng, ngăn mặn và giữ nước ngọt trong mùa nắng, từ đó hạn chế được tối đa những hạn chế về mặt điều kiện địa lý tự nhiên.
 
Trải qua quá trình canh tác, người dân Cao Lãnh đã đúc kết được những kinh nghiệm để tạo nên những trái xoài được người tiêu dùng lựa chọn như sử dụng giống xoài cát chu và xoài cát được nhân giống vô tính bằng tháp mắt, nhân giống vô tính bằng tháp đọt cây vì với những cây giống này, xoài sẽ màu cho trái (2-2,5 năm) và sẽ giữ được đặc tính tốt của cây mẹ.
 
Cũng bằng kinh nghiệm canh tác, ngoài vụ thuận, người dân Cao Lãnh có thể điều tiết được sản lượng xoài cung ứng trong năm nhờ kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ. Với vườn xoài trong giai đoạn cho trái ổn định, ngoài vụ thuận, tùy thuộc dự báo nhu cầu của thị trường mà các nhà vườn tại Cao Lãnh sẽ chọn 1 thời điểm để 1 số cây xoài ra hoa trái vụ. Cụ thể là, trong 1 vườn xoài, người làm vườn sẽ xử lý để 1 số cây ra hoa từ tháng 5 đến tháng 6 (vụ muộn), 1 số cây ra hoa từ tháng 7 đến tháng 9 (vụ nghịch), 1 số cây ra hoa từ tháng 11 đến tháng 12 (vụ sớm). Người dân Cao Lãnh còn rất chú trọng trong việc bón đủ phân trong suốt quá trình cây sinh trưởng và phát triển.

Với danh tiếng của mình, xoài Cao Lãnh được xuất khẩu sang nhiều nước. Những trái xoài cát Cao Lãnh không chỉ có chất lượng tốt mà cảm quan bên ngoài của trái rất đẹp. Lý do là người dân Cao Lãnh đã tiến hành bao trái khi trái còn nhỏ (khoảng 30 - 35 ngày sau đậu trái), giúp cải thiện màu sắc vỏ trái, làm tăng độ sáng màu của vỏ trái, tạo sự bóng đẹp, giảm chi phí phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm ảnh hưởng dư lượng hóa chất trên trái.
 
Khu vực địa lý sản phẩm xoài Cao Lãnh: Xã Hòa An, xã Tân Thuận Đông, xã Tịnh Thới, xã Tân Thuận Tây, xã Mỹ Trà, xã Mỹ Tân, xã Mỹ Ngãi, phường 6 và phường 11 thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; xã Mỹ Xương, xã Mỹ Hội, xã Bình Hàng Trung, xã Bình Hàng Tây, xã Mỹ Long, xã Mỹ Hiệp, xã Bình Thạnh, xã An Bình, xã Mỹ Thọ và thị trấn Mỹ Thọ thuộc huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
 
PV
 

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner